Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, đạt nhiều con số ấn tượng 

(Chinhphu.vn) – 12/12 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó 7 chỉ tiêu vượt; GDP ở mức cao hàng đầu thế giới, lạm phát thấp nhất trong 3 năm; nợ công giảm nhanh, năng lực cạnh tranh cải thiện vượt bậc; phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người có nhiều điểm sáng; xây dựng Chính phủ điện tử có kết quả thực chất; vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định… là những nét nổi bật trong kết quả kinh tế-xã hội năm 2019 của đất nước.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin sơ bộ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019. Ảnh: BGP/Hoàng Anh

Chiều 27/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp Thông tin Báo chí về Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Thống kê.

Tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã thông tin sơ bộ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019, về một số nội dung liên quan đến Hội nghị Chính phủ với địa phương, về tinh thần xây dựng Nghị quyết 01 và 02 đầu năm 2020, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về năm 2020.

GDP ở mức cao hàng đầu thế giới, lạm phát thấp nhất trong 3 năm

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong đã dự và chúc năm 2019, phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018. Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của người đứng đầu Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh .

Thông tin sơ bộ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, với nhiều con số ấn tượng.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tiếp tục ở mức cao hàng đầu thế giới, đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%, cao hơn năm 2016 là 6,21%, năm 2017 là 6,81% và xấp xỉ năm 2018 là 7,08%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%

Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng ở mức 2,79%, thấp nhất trong 3 năm (năm 2017 là 3,53%, năm 2018 là 3,54%).

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 10,7% so với năm 2018, đạt mức kỷ lục là 517 tỷ USD (năm 2016 là 351,6 tỷ, năm 2017 là 428,3 tỷ, năm 2018 đạt hơn 480 tỷ USD).

Năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt tới 17,7%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%).

Xuất siêu đạt lỷ lục 9,9 tỷ USD (năm 2016 là 1,6 tỷ; năm 2017 là 1,9 tỷ; năm 2018 là 6,8 tỷ USD).

Dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay đạt 79 tỷ USD (năm 2018 đạt 63,5 tỷ USD).

Nợ công giảm nhanh, năng lực cạnh tranh cải thiện vượt bậc

Nợ công giảm nhanh còn 56,1% GDP (năm 2016 là 63,7%, năm 2017 là 61,4%, năm 2018 là 58,4%). Nợ Chính phủ còn 49,2% GDP (năm 2016 là 52,7%, năm 2017 là 51,7%, năm 2018 là 50%).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 33,9% GDP (2018 đạt 33,5%).  Đầu tư nước ngoài tiếp tục đà tăng: năm 2016 là 15,8 tỷ USD, năm 2017 là 17,5 tỷ USD, năm 2018 là 19,1 tỷ USD và năm 2019 là khoảng 20,4 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao, đạt trên 138,1 nghìn (năm 2016 là 110 nghìn, năm 2017 là 126,8 nghìn, năm 2018 đạt 131,3 nghìn)

Năng suất lao động ước đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tăng 6,2% theo giá so sánh (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018).

Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 41 trên thế giới, tăng 54 bậc (năm 2018 xếp thứ 95). Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu xếp 50/175, tăng 50 bậc (năm 2018 xếp thứ 100).

Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018,

Khách quốc tế ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2%. Năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”.

Phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người có nhiều điểm sáng

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 61-62 % (năm 2018 đạt 58-60%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24% (năm 2018 đạt 23-23,5%).

Xếp hạng đại học tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên hạng 68. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 3 bậc so với năm 2018 (từ 45 lên 42).

Các chỉ tiêu về y tế gồm số bác sỹ, số giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đều cao hơn năm 2018 và vượt mục tiêu đề ra (đạt 8,6 bác sỹ và 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90%).

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm có 4.806 xã (54%) và 111 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm.

Giảm nghèo được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, tiếp tục là một diểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giảm còn dưới 4 % (năm 2018 là 5,35%).

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi tiếp tục xu hướng giảm. Năm 2016 là 2,3%, năm 2017 là 2,24%, năm 2018 là 2,19% và năm 2019 giảm xuống còn 2,16%.

Văn hóa, thể thao có những thành tích ấn tượng. Đoàn thể thao tham gia SEA Games 30 đạt thành tích xuất sắc, đạt 98 huy chương vàng, 85 huy chương bạc và 103 huy chương đồng, đúng thứ Nhì toàn đoàn.

Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định

Độc lập, chủ quyền được giữ vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trước tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế và đấu tranh trên thực địa, giữ được môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.

Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn; trong đó tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội.

Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối; tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội pham; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Xây dựng Chính phủ  điện tử có kết quả thực chất

Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được đẩy mạnh và kết quả thực chất. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục dòng hàng và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm được hơn 6,3 nghìn tỷ đồng/năm.

Đã khai trương, đưa vào vận hành 03 hệ thống quan trọng là Trục Liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, ước tính tiết kiệm chi phí xã hội 5-6 nghìn tỷ đồng/năm.

12/12 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó 7 chỉ tiêu vượt

Đánh giá tổng thể, trong 12 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt (cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tháng 10/2019 là 5 chỉ tiêu vượt).

7 chỉ tiêu vượt là: Tốc độ tăng GDP 7,02% (kế hoạch là 6,6-6,8%), Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2,79% (kế hoạch là 4%).

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu kế hoạch là 3% nhưng đã xuất siêu 3,77%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% trong đó các chuyện nghèo giảm 4%; thực tế các huyện nghèo đã giảm trên 4%.

Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27,5 giường (kế hoạch là 27 giường). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90% (kế hoạch 89,3%)

Thông tin về một số nội dung liên quan đến Hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Hội nghị được tổ chức vào ngày 30-31/12. Đây là một hội nghị quan trọng, có thể nói lớn nhất trong năm, có sự tham dự của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước.

Ngoài đánh giá kết quả kinh tế -xã hội, Chính phủ cũng triển khai Nghị quyết 01 về nhiệm vụ năm 2020. VPCP phối hợp với Bộ KH&ĐT tham mưu, đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị quyết theo hướng cải cách, đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để quyết liệt thực hiện trong năm 2020. Bên cạnh đó, còn xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2020, các bộ chỉ tiêu cụ thể. Ngoài ra, Chính phủ cũng triển khai Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hoàng Anh

266 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1178
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1178
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87095947