Kinh tế tuần hoàn là chìa khoá để phát triển bền vững toàn diện 

(Chinhphu.vn) – Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 tập trung vào 3 hội thảo chuyên đề về các vấn đề trọng tâm là: Kinh tế tuần hoàn; Hợp tác công tư để phát triển bền vững và Phát triển nguồn vốn con người.

 

Trước thềm Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 được tổ chức vào ngày 12/9, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã có cuộc trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những nội dung quan trọng của Hội nghị.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
 

Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm của Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019. Hội nghị lần này có những điểm gì mới so với những lần trước?

 
 

Ông Nguyễn Quang Vinh: Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với VCCI, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức hội nghị này với chủ đề: “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.

 

Các đại biểu sẽ thảo luận những vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 10 năm tới (2020 – 2030) được coi là nước rút để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 115 chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Những kiến nghị từ Hội nghị  được kì vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên phát triển bền vững hơn.

 

Đặc biệt, năm nay ban tổ chức có những hội thảo chuyên đề về 3 vấn đề trọng tâm là: Kinh tế tuần hoàn; Hợp tác công tư để phát triển bền vững; Phát triển nguồn vốn con người.

 

Các đại diện bộ, ngành đưa ra kế hoạch phát triển bền vững của Việt Nam, Việt Nam sẽ tăng tốc và đột phá như thế nào trong kỉ nguyên số, sử dụng khoa học công nghệ đem đến sinh kế cải thiện cuộc sống cho người dân, qua đó cũng cải thiện năng lực cạnh tranh, quản trị, cũng như nâng cao năng suất của doanh nghiệp…

 
 

Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện 3 nội dung trong phát triển bền vững trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể nói, cả 17 mục tiêu phát triển bền vững và những mục tiêu nằm trong nội dung VSDG đều rất quan trọng. Nhưng năm nay, Hội nghị tập trung bàn thảo các vấn đề “nóng” nhất. Chẳng hạn, kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, đó cũng là hướng đi các doanh nghiệp trên thế giới đang hướng đến và một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sớm nắm bắt.

 

Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan chính phủ để phát triển bền vững.

 
 

Liên Hợp Quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững – Chương trình Nghị sự 2030 với chủ đề không một ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng chúng ta quản lý như thế nào, xây dựng nguồn nhân lực ra sao để nguồn nhân lực đó đáp ứng với kỉ nguyên mới, kỉ nguyên mà Việt Nam bước vào thập kỉ mới bứt phá về mặt kinh tế.

 
 

Như ông đã đề cập, kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một trong những giải pháp để phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Những trở ngại nào cần khắc phục để triển khai việc này trong thời gian tới, thưa ông?

 
 

Ông Nguyễn Quang Vinh: Theo tôi, để triển khai kinh tế tuần hoàn trước tiên các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này. Hiện tại, chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn, điều này muốn có cần có sự vào cuộc, hỗ trợ mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước.

 

Ở Việt Nam, từ năm 2016, VBCSD đã khởi xướng chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, triển khai nền kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đi từ việc nâng cao nhận thức cho đến việc hỗ trợ triển khai.

 

Từ năm 2018, dự án hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn đầu tiên được ra đời – đó là dự án “Zero Waste to Nature (Không xả thải vào thiên nhiên)”, được sự cam kết ủng hộ của cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương về việc thí điểm phân loại rác thải nhựa tại nguồn tại quận Bình Thạnh (TPHCM), sắp tới có thể triển khai rộng rãi tại Đà Nẵng, Hà Nội.

 

Một dự án nữa là Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, đây là sân chơi để các doanh nghiệp có thể trao đổi, mua bán các nguyên vật liệu thứ cấp của nhau. Rác thải là tài nguyên thì nguyên vật liệu thứ cấp cũng là tài nguyên…

 

Qua những ví dụ trên, chúng tôi mong muốn các đại biểu, các doanh nghiệp và các cơ quan bộ ngành chức năng thảo luận về vấn đề này, làm thế nào để chúng ta có một môi trường kinh doanh, hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn.

 
 

Như vậy, với vai trò của mình, VCCI và VBCSD có kiến nghị gì để việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trở nên phổ biến và được áp dụng thành công hơn?

 
 

Ông Nguyễn Quang Vinh: Một trong những kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là, tiến tới cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.

 

Thứ hai, thách thức trong câu chuyện này cũng đang ở ngay trong chính doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học, công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công.

 

Trong thời gian tới, Hội đồng sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan của Chính phủ để triển khai Chương trình quốc gia về xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

 

Một dự án quan trọng khác mà VBCSD và VCCI đang bàn bạc là thành lập Liên minh chống rác thải nhựa. Các dự án đó đều hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về xử lý chất thải nhựa. Đây là những ví dụ điển hình mà không chỉ các doanh nghiệp lớn mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, thậm chí những doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng trong chuỗi giá trị của những doanh nghiệp lớn đang bước đầu nhận thức và áp dụng triển khai.

 
 

Cuối cùng, theo tôi, muốn kinh tế tuần hoàn có thể “cất cánh” tại Việt Nam thì cần sự hỗ trợ  từ Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, doanh nghiệp sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai.


 Xin cảm ơn ông!
 

Huy Thắng (thực hiện)

322 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 862
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 862
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230934