|
Kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải. Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh hiện có 5.293 DN thì DN tư nhân chiếm tới 96,8%. Khu vực tư nhân của Quảng Nam chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong đóng góp ngân sách, là nhân tố chính đưa tỉnh gia nhập các tỉnh, thành phố có thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng/năm và cũng là tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương.
Có được kết quả này là do nỗ lực vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân và sự đồng hành từ chính quyền tỉnh Quảng Nam. Điều đó cho thấy, động lực tăng trưởng nền kinh tế của "xứ Quảng" chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Mặc dù khu vực tư nhân của tỉnh đã có những “con sếu lớn” nhưng chưa được lan tỏa rộng trong cộng đồng, đa số DN trên địa tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế…
Ông Lê Trí Thanh nhìn nhận, thời gian qua, Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, nhưng chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, số liệu thống kê mới đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh đóng góp hơn 52% tổng thu ngân sách và tạo ra việc làm cho hơn 92% lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân ở Đắk Nông đã phát huy được vai trò động lực của mình, có nhiều đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp, khu vực tư nhân đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Nhiều DN đã tạo dựng được thương hiệu lớn, có đóng góp quan trọng cho nguồn thu nội địa của tỉnh.
Nhưng so với yêu cầu đặt ra, những kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ cũng như chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông. Mặc dù số lượng cơ sở kinh doanh và DN tư nhân tăng lên rất nhanh, song chất lượng, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh cũng như chính sự nội lực vươn lên để phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế này đối với sự phát triển của địa phương.
Còn theo đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Gần đây, với những động thái tích cực từ Chính phủ trong việc chỉ đạo hỗ trợ DN, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần chỉ đạo các sở ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích DN đầu tư, sản xuất; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ DN phát triển.
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng, cạnh tranh mạnh mẽ với các thành phần kinh tế khác, cần phải bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế tư nhân tại địa phương.
Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DN Nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường. Nâng cao khả năng quản trị DN trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0…
Thế Phong