Kinh tế toàn cầu và sự lạc quan đang thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn 

(ĐCSVN) - Theo Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, năm 2016, tăng trưởng của APEC đạt 3,5%, giảm nhẹ so với GDP của năm trước là 3,6%. Tiêu dùng của chính phủ và tư nhân tại các nền kinh tế APEC tiếp tục giữ đà là động lực chính cho tăng trưởng của APEC.

Tiêu dùng được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và giá các hàng hóa cơ bản cũng ở mức thấp, cũng như chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các chính phủ thông qua các biện pháp tài chính và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tăng trưởng thương mại của khu vực APEC đã bắt đầu được cải thiện từ giữa năm 2016. Trong cả năm 2016, kim ngạch trung bình của xuất khẩu hàng hóa trong APEC giảm 4,1%, thấp hơn mức giảm 8,7% năm 2015. Nhập khẩu cũng có chung xu hướng này. Thương mại APEC được cải thiện là nhờ thương mại toàn cầu năm 2016 tăng trưởng tích cực hơn năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng thương mại tăng từ giữa năm 2016 nhờ cầu thế giới và giá các hàng hóa cơ bản tăng cũng như các nhân tố mang tính đặc thù của từng nền kinh tế thành viên trong quá trình đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các đối tác thương mại. Trong số tốp 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới về tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là các nền kinh tế thành viên APEC (FDI). Tổng nguồn vốn FDI vào 5 nền kinh tế thành viên này lên tới 710 tỉ USD, tương đương 46,7% tổng lượng FDI toàn cầu năm 2016.

Các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư đã thúc đẩy các nguồn vốn FDI đổ vào khu vực APEC. Trong giai đoạn từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10/2016, số lượng các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư nhiều hơn số lượng các biện pháp hạn chế đầu tư. Các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại cũng nhiều hơn các biện pháp hạn chế thương mại trong cùng kỳ.

Dự báo GDP của APEC về ngắn hạn, trong giai đoạn 2017 - 2018, sẽ tăng cao hơn, đạt mức 3,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Tăng trưởng của khu vực APEC năm 2019 dự kiến đạt 3,7%, bằng mức tăng trưởng toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng của thế giới và APEC có xu hướng tăng trong ngắn hạn nhờ kỳ vọng các hoạt động thương mại và đầu tư sẽ sôi động hơn; việc áp dụng các biện pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Trung Quốc; và sự tăng giá trở lại của các hàng hóa. Tuy nhiên, còn nhiều bất định đáng kể về thương mại, tiền tệ và chính sách tài chính có thể làm gián đoạn các hoạt động thương mại và đầu tư, và tác động trái chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Sự rõ ràng, minh bạch và nhất quán của các chính sách kinh tế có thể mang tính quyết định đối với quy mô và chiều hướng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Về trung hạn, quản lý kinh tế vĩ mô cần được hỗ trợ bởi tái cấu trúc hướng tới thúc đẩy sáng tạo, hình thành những thị trường cạnh tranh hơn, tạo thuận lợi cho mọi thành phần xã hội tham gia và tăng cường tính tự cường về kinh tế, qua đó đóng góp vào mục tiêu của APEC về tăng trưởng bền vững, công bằng và bao trùm. 

Mạnh Hùng

494 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 458
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 458
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88607834