Kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân 

(ĐCSVN)- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: Nghị quyết “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới” khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT, đó là: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”. 

Chiều 21/7 tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, khóa XIII, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khai tập trung trình bày, giới thiệu với các đại biểu về: Tính cấp thiết ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới"; nội dung cơ bản của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt những nội dung mới; các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.

KTTT là xu thế tất yếu khách quan

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định về việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”.

Kết luận Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển KTTT phù hợp với yêu cầu, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Đồng thời, Hội nghị khẳng định sự phát triển KTTT là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của HTX phù hợp với đặc điểm KTXH của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. KTTT có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã (HTX) là nòng cốt.

Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực KTTT, Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao về 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực KTTT trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.

Nhiều đổi mới trong quan điểm chỉ đạo

Phó Thủ tướng thông tin, trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân; phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với phát triển KTTT, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, cụ thể:

Nhóm quan điểm thứ nhất: Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT, đó là: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển KTTT phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của KTTT, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”.

Phó Thủ tướng phân tích, đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 khóa IX, trên cơ sở cập nhật quan điểm trong Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Qua đây, Trung ương thống nhất về quan điểm phát triển KTTT, trong đó khẳng định rõ vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế quốc dân và xu thế phát triển trong giai đoạn mới. KTTT không phủ nhận kinh tế hộ mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

Nhóm quan điểm thứ hai, Nghị quyết xác định rõ “KTTT với nhiều hình thức tổ  chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, đồng thời đặt ra yêu cầu “tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn”.

Nghị quyết cũng nêu rõ “KTTT lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn”. Quan điểm này kế thừa quan điểm của Nghị quyết số 13-NQ/TW, đồng thời làm rõ hơn hình thức tổ chức và mục tiêu hướng đến của KTTT: KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, biểu hiện dưới một số hình thức tổ chức cụ thể, phát triển từ thấp đến cao như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…. Mục tiêu chính của KTTT không chỉ là lợi ích kinh tế của thành viên, của tập thể và của Nhà nước, mà còn chú trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Qua đó, đánh giá đầy đủ, toàn diện của KTTT. Đồng thời, quan điểm này nhằm khắc phục sự yếu kém trong việc liên kết giữa các HTX, hướng tới đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái các tổ chức KTTT. 

Nhóm quan điểm thứ ba, quan điểm này là về những đặc điểm cơ bản của KTTT, gồm: “KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên KTTT bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức KTTT.”

So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương đã bổ sung khái niệm thành viên chính thức và thành viên liên kết trong các tổ chức KTTT để tạo điều kiện thu hút thêm thành viên. Ở đây, có thể hiểu thành viên liên kết là những cá nhân, pháp nhân hợp tác với tổ chức kinh tế tập thể để thực hiện một số khâu, nhiệm vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có một số quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng hợp tác, là bước trung gian trước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức.

Quan điểm này chỉ ra sự khác biệt giữa tổ chức theo hình thức KTTT và các hình tổ chức doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh tính dân chủ và không phụ thuộc vào vốn góp trong quản lý, điều hành để bảo đảm quyền quyền bình đẳng giữa các thành viên tham gia, đồng thời phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp (bảo đảm kinh tế tập thể vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN).

Nhóm quan điểm thứ tư, quan điểm này nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với phát triển KTTT trong giai đoạn mới, cụ thể: Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả KTTT toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.”

So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương xác định phát triển KTTT theo các xu thế phát triển hiện nay: phải đồng thời quan tâm cả số lượng và chất lượng (để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển); phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.... Đồng thời, tiếp tục khẳng định đánh giá hiệu quả KTTT phải đánh giá toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cả hiệu quả của tổ chức và của các thành viên. Qua đó, khẳng định KTTT không đứng ngoài cuộc trong xu thế phát triển chung của đất nước, nhất là phát triển KTTT phải chú trọng chất lượng và bảo đảm hài hoà giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn...

Nhóm quan điểm thứ năm, Trung ương đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân: “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.”

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị chiều 21/7. 

Quan điểm này kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hệ thống liên minh hợp tác xã trong việc phát triển KTTT.

Về mục tiêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm chủ yếu. Đầu tiên là nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là nội dung quan trọng, cốt lõi khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua và xác định đây là nhiệm vụ trước tiên.

Trên cơ sở kết thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương bổ sung, làm rõ hơn về bản chất, nội hàm KTTT với cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu hơn trong quá trình thực hiện: Làm rõ hơn về mục đích hoạt động của KTTT, theo đó: “Các tổ chức KTTT hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần tuý. KTTT coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức KTTT còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn”.

Làm rõ hơn cách đánh giá hiệu quả và đóng góp về kinh tế, xã hội của KTTT trong nền kinh tế, theo đó: “hiệu quả của tổ chức KTTT chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng”; “đóng góp về mặt kinh tế của KTTT trong nền kinh tế quốc dân là tỉ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên”; “đóng góp về mặt xã hội của KTTT là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn”.

Qua đây, Trung ương yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên quán triệt và thống nhất nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tính toán, đánh giá đúng mức độ đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP và các mặt kinh tế - xã hội khác.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, cập nhật Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng gần đây, Trung ương yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển KTTT, trong đó tập trung: Làm rõ hơn về các loại hình tổ chức KTTT, quy định về phát triển thành viên, nâng cao khả năng huy động vốn, quy định về phát triển doanh nghiệp trong các tổ chức KTTT, quy định về kiểm toán… Xác định rõ KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng); có cơ chế đặc thù cho KTTT…

Bên cạnh đó, Trung ương đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển KTTT gồm: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học - công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách bảo hiểm xã hội.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị chiều 21/7.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Đây là một nội dung rất khó trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của HTX phù hợp yêu cầu mới. Kiên quyết xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực KTTT, tăng cường công khai, minh bạch, từng bước tạo lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với KTTT. Sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với KTTT. Khắc phục cho được quan niệm: HTX là yếu kém.

Nhằm đa dạng hóa các mô hình hoạt động của KTTT, Nghị quyết lần này Trung ương cho phép nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực. Tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Theo đó, Trung ương yêu cầu xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển KTTT.

Để các chủ trương của Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” sớm đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến việc Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về phát triển KTTT…/.

 
Trung Anh - Phạm Cường
507 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1081
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1081
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87170489