Thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của các hợp tác xã và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, trong đó có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó đã thúc đẩy huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được hỗ trợ về nhiều mặt (đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng...). Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022 đã có khoảng 2,6 nghìn hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ về phát triển kết cấu hạ tầng với kinh phí hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, có 11 tỉnh, thành phố triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho các hợp tác xã với tổng mức đầu tư khoảng 440 tỷ đổng.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế của thành viên và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hợp tác xã đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã được tăng cường theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển, đồng thời, hợp tác giữa thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Ở nhiều địa phương, như: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau... nhiều hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Các sản phẩm của các hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có trên 5,3 nghìn chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các hợp tác xã.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm; năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế; một số hợp tác xã được thành lập còn mang tính hình thức, trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước. Trình độ cán bộ quản lý của các hợp tác xã nhìn chung còn hạn chế. Đến năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ, trung cấp mới chiếm gần 36%, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 23%. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện; các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… ít được thực hiện; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ở mức thấp…
Để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp: Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023 đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024; ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (trước tháng 7 năm 2024); hoàn thiện Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026 - 2030.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên hợp tác xã, góp phần xóa bỏ tín dụng đen ở nông thôn; hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí trong đó ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho đối tượng hợp tác xã; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, trong đó phải cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đất đai cho hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Luật Hợp tác xã năm 2023.
Tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, tổ chức liên kết phát huy trí tuệ tập thể, cộng đồng trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi thành viên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền kinh tế của đất nước; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách... Trí Ánh (Tổng hợp)