Kinh tế số có thể cải thiện GDP ASEAN thêm 1.000 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những động lực tăng trưởng mới, có thể cải thiện GDP ASEAN thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025 trong khi hiện chỉ chiếm 7% GDP của ASEAN.

 

Quang cảnh hội nghị

Ngày 5/12, Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Viễn thông ASEAN lần thứ 18 (TELMIN) đã khai mạc tại đảo Bali, Indonesia.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng 10 nước ASEAN và Bộ trưởng các nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu cùng đại diện một số đơn vị và một số doanh nghiệp lớn về ICT. 

Hội nghị nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể ICT 2020 (AIM2020) và tiến tới đạt được sự thống nhất tăng cường hợp tác để hoàn thành AIM 2020, nhằm thúc đẩy ASEAN hướng tới một nền kinh tế có khả năng số hóa an toàn, đổi mới và bền vững, đồng thời đưa Cộng đồng ASEAN trở nên sáng tạo, hòa nhập và tích hợp.

Phát biểu tại phiên khai mạc, theo TTXVN, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhấn mạnh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Ban Thư ký ASEAN đã đưa ra đánh giá về tinh thần sẵn sàng của ASEAN đối với những tác động đến tương lai của nền kinh tế ASEAN. Hiện nay, giai đoạn thứ hai của các vấn đề bao quát rộng hơn đang được triển khai, bao gồm nhu cầu nguồn nhân lực, chuyển dịch lao động và những thách thức mới, đặc biệt là thách thức về an ninh mạng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua một Tuyên bố về Hợp tác an ninh không gian mạng công nhận sự khẩn cấp ngày càng tăng và sự tinh vi của các mối đe dọa mạng xuyên biên giới. Cơ chế ASEAN để điều phối các vấn đề bảo mật toàn diện, ASEAN phải làm theo các tiêu chuẩn tự nguyện, không ràng buộc được đề xuất trong năm 2015.

Tổng Thư ký  Lim Jock Hoi khẳng định: “Nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những động lực tăng trưởng mới, có thể cải thiện GDP ASEAN thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025 trong khi hiện chỉ chiếm 7% GDP của ASEAN. Bên cạnh đó, điều này thúc đẩy các nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự đổi mới, đóng góp doanh thu thuế và phát triển kỹ năng và năng lực. Đề xuất của Bộ trưởng Việt Nam về chuyển vùng quốc tế một giá trong khu vực ASEAN rất đáng quan tâm. Đây là dự án tốt cho tương lai phát triển của ASEAN”.

Diễn ra trong 2 ngày 5-6/12, với chủ đề “Hướng đến Tương lai của Hệ sinh thái số vì một ASEAN thịnh vượng”, tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận và khẳng định quyết tâm trong việc thúc đẩy triển khai các sáng kiến Kế hoạch tổng thể ASEAN ICT 2020 (AIM2020), nhằm thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế số ASEAN hướng tới một Cộng đồng hội nhập số sáng tạo, an toàn và bền vững. 

Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề: Thông qua Khuôn khổ quản trị dữ liệu số ASEAN với 4 sáng kiến ưu tiên bao gồm các quy định phân loại dữ liệu, thiết lập cơ chế lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới, diễn đàn sáng tạo số và chính sách và quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.

Các Bộ trưởng cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác phát triển các chính sách bảo đảm an ninh mạng khu vực, chia sẻ thông tin về nguy cơ mất an toàn thông và các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERTs) của ASEAN cũng như với các bên đối thoại; khuyến khích sự phát triển các dịch vụ OTT nhằm thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ sáng tạo, đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng; hướng dẫn về phát triển ứng dụng dữ liệu lớn và mở, thiết lập các diễn đàn đối thoại thường xuyên, xây dựng các giao diện lập trình ứng dụng và từ điển dữ liệu mở của ASEAN; xây dựng và phát triển các bộ kỹ năng ICT mới của ASEAN…

Trong khuôn khổ Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN đã có các phiên họp làm việc với từng nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ITU và thông qua các chương trình, hoạt động hợp tác năm 2019 trong đó tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trao đổi chính sách phát triển ICT, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy và thông qua các công nghệ mới, nâng cao năng lực đối với các rủi ro về an ninh mạng. Các Bộ trưởng cũng nhất trí về việc gia hạn 2 Bản ghi nhớ hợp tác phát triển ICT giữa ASEAN với Trung Quốc thêm 5 năm giai đoạn 2018-2023 và với ITU thêm 3 năm giai đoạn 2018-2021.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thành viên đoàn công tác đã làm việc song phương với Bộ trưởng của các nước ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Singapore) nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới. Đặc biệt, các vấn đề để cụ thể hóa sáng kiến nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN một giá cước chuyển vùng di động quốc tế chung, hướng tới một ASEAN phẳng vào năm 2020. 

Theo đó, tại buổi làm việc song phương với Indonesia, 2 doanh nghiệp Viettel và Telin đã ký thoả thuận thúc đẩy hợp tác về các dịch vụ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cho người Indonesia sinh sống tại các quốc gia Viettel đang hoạt động và cho người Việt Nam sinh sống tại các quốc gia Telin đang hoạt động. Đây là tiền đề trong lộ trình đàm phán giảm cước chuyển vùng di động quốc tế giữa 2 nước Việt Nam và Indonesia theo cam kết của Viettel từ nay đến năm 2020.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, tại Lễ công bố và trao giải cho các sản phẩm tham gia Giải thưởng ICT ASEAN, sản phẩm nghiên cứu của Đại học Duy Tân Đà Nẵng về Mô phỏng giải phẫu cơ thể người (AnatomyNow) đã được trao giải tại hạng mục nghiên cứu và phát triển./.

1002 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1099
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1099
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219487