Kinh tế ổn định, vùng kháng ‘sốc’ tỷ giá lợi hại 

(Chinhphu.vn) - Sự biến động tỷ giá đợt này chỉ mang tính thời điểm, còn cung-cầu ngoại tệ vẫn ổn, kể cả từ nay tới cuối năm. Nếu kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thực hiện thành công thì sẽ còn mang lại lượng cung ngoại tệ khá lớn, tạo thêm hiệu ứng tốt cho tỷ giá.
Ảnh minh họa
Dự trữ ngoại hối đủ mạnh

Sau khi có dấu hiệu nhích dần lên từ trung tuần tháng 6, biến động của cặp tỷ giá VND/USD đã trở thành mối quan tâm lớn của thị trường.

Đã có những e ngại cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang khiến đồng Nhân dân tệ và nhiều đồng tiền khác ở châu Á mất giá mạnh. Một số nước bắt đầu điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ để giữ sức cạnh tranh. Vì vậy, áp lực lên đồng Việt Nam sẽ là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Và xuất khẩu đang là một trong những “cánh tay đòn” quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ các cân đối trong nước, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với lượng dự trữ ngoại tệ đến cuối tháng 6 vừa qua đã đạt gần 64 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để bình ổn thị trường.

Phải nói thêm rằng, sở dĩ lượng dự trữ này tăng lên liên tục và bền vững suốt mấy năm gần đây cũng nhờ cán cân thanh toán của Việt Nam gần như luôn ở trạng thái thặng dư. Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô luôn nhất quán với chủ trương đề cao VND - buộc ngân hàng thương mại áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm; ngăn chặn hiện tượng đô la hóa nền kinh tế, vậy nên, tỷ lệ tiền gửi USD trong hệ thống ngân hàng thương mại liên tục giảm mạnh.

Mặc dù vậy, vẫn còn đó những hoài nghi về khả năng một số ngân hàng thương mại có hiện tượng “lệch pha” cơ cấu dòng tiền giữa cho vay và huy động dưới góc độ ngoại tệ nên khá “bối rối” trước biến động tỷ giá. Thế nhưng, cũng theo TS. Võ Trí Thành, “Trước áp lực tỷ giá vừa rồi, hiện tượng này là có nhưng không nhiều. Với dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay thì vấn đề đó không phải là quá lớn”.

Ngoài ra, giới đầu tư tài chính đều biết rằng với một nền kinh tế chưa mở cửa tài khoản vốn đầy đủ như Việt Nam, cùng một đồng tiền cũng chưa phải đã được tự do chuyển đổi, thì trong một chừng mực nào đó, cuộc đối mặt với các cú sốc tài chính từ bên ngoài sẽ có những thuận lợi nhất định.

Lãi suất VND luôn lớn hơn lãi suất USD và thay đổi tỷ giá

Tác giả của cơ chế “tỷ giá trung tâm” (giải pháp đã góp phần đưa chính sách điều hành tỷ giá Việt Nam tiệm cận hơn với nền tài chính hiện đại của thế giới), Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương Bùi Quốc Dũng cho rằng, từ đầu năm tới nay, tỷ giá VND/USD mới tăng có 1,4%. Thay đổi này là không lớn, nhưng sở dĩ nhiều người “giật mình” là vì đã quá lâu tỷ giá hầu như không có biến động gì! Còn xét về tổng thể, mỗi năm tỷ giá biến động từ 2-5% là rất bình thường.

Lần “rung lắc” này của tỷ giá cũng đa phần do yếu tố tâm lý, như tiền gửi kho bạc ùn ứ tại các ngân hàng thương mại do giải ngân đầu tư công chậm đã đẩy lãi suất VND trên thị trường 2 xuống thấp khiến các nhà cho vay phát sinh tâm lý muốn giữ USD nhiều hơn; hay thấy khối ngoại bán ròng cổ phiếu, nhiều người đã suy diễn ngay “chắc họ muốn rút vốn”; thấy lạm phát có xu hướng tăng lại nghĩ “chắc sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá”…

Trên thực tế, mọi động thái điều hành chính sách liên quan tới tỷ giá đều có xét đến các cân đối vĩ mô khác, bởi nếu để VND biến động “tự do” thì Việt Nam đã không thể giữ được mức giá xăng như hiện nay. “Có thể nói sự biến động tỷ giá đợt này chỉ mang tính thời điểm, còn cung-cầu ngoại tệ vẫn ổn, kể cả từ nay tới cuối năm. Nếu kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thực hiện thành công thì sẽ còn mang lại lượng cung ngoại tệ khá lớn, tạo thêm hiệu ứng tốt cho tỷ giá”, ông Bùi Quốc Dũng nhận định.

Giám đốc Phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành cũng tin rằng, chính vùng “kháng sốc” liên tục được bổ sung từ nguồn kiều hối và giải ngân FDI đã giúp VND hầu như không mất giá mạnh như đồng Nhân dân tệ và một số đồng tiền khác ở châu Á trong suốt 3 tuần qua. Đồng thời, vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, thị trường không nên giữ quan điểm ổn định tỷ giá mãi. “Các ngân hàng và doanh nghiệp nên tập quen với biến động tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ thị trường, nhưng không phải theo kiểu cứ tỷ giá biến động một tí lại can thiệp”.

Thống nhất với quan điểm ấy, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị người dân và doanh nghiệp phải dần tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật về bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

Ở thời điểm hiện tại, nhà điều hành chính sách vẫn giữ vững các nguyên tắc cơ bản để có một tỷ giá lành mạnh. Đó là luôn ưu tiên hàng đầu cho ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục mua ngoại tệ đồng thời với sử dụng nhiều công cụ hút bớt tiền về nhằm tránh lạm phát; duy trì mức lãi suất VND luôn lớn hơn lãi suất USD cộng với thay đổi tỷ giá.

Phương Hiền

630 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1136
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1136
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87025819