Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh:K.V)

Hội thảo đã thu hút  sự tham gia của hơn 100 các đại biểu đến từ các bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia về môi trường, cùng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở khu vực phía Nam. Đa số các tham luận đều đặt vấn đề làm thế nào để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Theo đó, kinh tế xanh được hiểu một cách đơn giản, là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội. Các hoạt động trong nền kinh tế xanh tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường.

PGS,TS. Phùng Chí Sỹ, chuyên gia đến từ Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, kinh tế xanh còn là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển thêm những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ hiện nay và mai sau. Phát triển kinh tế xanh ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

TS.Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, trong những năm qua, Đảng  Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế.

Với hơn 30 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có trí tuệ, năng lực sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu khoa học kỹ thuật công nghệ và hội nhập kinh tế toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc thông qua Luật Bảo vệ Môi trường, với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, sẽ tạo ra cơ chế để thực hiện có hiệu quả đối với công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, dịch vụ khoa học kỹ thuật, thiết bị, sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ yêu cầu cấp thiết, nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

PGS,TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên môi trường cho rằng, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng “xanh hóa”, coi việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay nền kinh tế xanh là bước ngoặt cho tiến trình khôi phục kinh tế và là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, với những ưu tiên và nội dung khác nhau, tùy vào điều kiện của mỗi tổ chức, mỗi nước.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đã đề xuất một số biện pháp để giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất vững bước theo con đường kinh tế xanh như: Chính quyền địa phương sớm rà soát, công bố, ổn định tiểu vùng nông nghiệp để ngân hàng sớm thực hiện giải ngân cho hộ sản xuất; nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân; đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, tài sản hình thành trên vốn vay, rủi ro thiên tai; khuyến khích các hiệp hội nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, kìm giá, ép giá.../…

 

K.V