Kinh tế khởi sắc nhờ các giải pháp hiệu quả của Chính phủ 

(Chinhphu.vn) - Nền kinh tế khởi sắc cho thấy các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ là phù hợp và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, để tiếp nối đà tăng trưởng, cần tiếp tục tháo gỡ một số khó khăn, rào cản cho nền kinh tế; đồng thời nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống kết hợp với các động lực tăng trưởng mới nổi…
Kinh tế khởi sắc nhờ các giải pháp hiệu quả của Chính phủ- Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS Doãn Hữu Tuệ: "Kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc sau những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới những năm trước" - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Kết quả tích cực nhờ các giải pháp hiệu quả

Theo chuyên gia tài chính- ngân hàng, TS Doãn Hữu Tuệ, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc sau những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới những năm trước. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chuyên gia này cho rằng nổi bật là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2024 đạt 509,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,63 tỷ USD), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Đây là con số cho thấy mức tiêu dùng trong đời sống người dân tăng, chứng minh nền kinh tế khởi sắc.

Thêm vào đó, ngành du lịch cũng góp phần quan trọng trong mức tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 2/2024 vượt 1,5 triệu lượt khách, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhờ các chương trình kích cầu du lịch của Chính phủ. Lượng khách này đã giúp doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng 35,8%, với tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, đã có con số tăng trưởng vượt trội nhờ một loạt giải pháp cải cách cơ cấu kinh tế. Với mức tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,1%) đóng góp 5,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung trong tháng 2, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển nền công nghiệp.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp đã tăng trên diện rộng ở 56/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) đạt mức tăng khá cao ở mức 2 đến 3 con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Giang tăng 29%; Phú Thọ tăng 27,6%; Hà Nam tăng 22,2%; Thanh Hóa và Quảng Ngãi cùng tăng 22,1%; Bình Phước tăng 20%; Kiên Giang tăng 19,7%; Tây Ninh tăng 16,9%. Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng tới 318,8%; Trà Vinh tăng tới 102,3%; Thanh Hóa tăng 67,5%; Bắc Giang tăng 17,6%; Phú Thọ tăng 15,5%...

Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đầy quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; việc kịp thời ban hành các chính sách phù hợp; sự quyết liệt trong thực hiện của các bộ, ngành, địa phương... đã tạo nên những xung lực có tác động tích cực cho nền kinh tế.
Chuyên gia, TS. Doãn Hữu Tuệ

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục được tiếp thêm những động lực tích cực nhờ bối cảnh của tình hình thế giới có lợi cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái; các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã thu hơn 9,8 tỷ USD. Đây là tín hiệu khởi sắc, thể hiện sự phục hồi rất ấn tượng của các mặt hàng này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2/2024, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng năm 2023 như sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59%; cà phê đạt 1,38 tỷ USD, tăng 85%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8%; gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%...

Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ nhấn mạnh, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường nổi tiếng, khó tính và có yêu cầu chất lượng rất cao đều tăng trưởng mạnh mẽ như: Hàn Quốc tăng 121%, Mỹ tăng 83%, Australia tăng 75%, Nhật Bản tăng 53%... Điều này đã khẳng định vị thế, chất lượng hàng rau quả Việt Nam và sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành hàng này trong năm nay.

Trong lĩnh vực bất động sản, 2 tháng đầu năm đã có 552 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 843 doanh nghiệp, bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.

Riêng tại TPHCM, tại thời điểm hiện nay, tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn có những tín hiệu phục hồi từ sau khi Chính phủ ban hành các chính sách để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (như hạ lãi suất cho vay, phát hành trái phiếu, kêu gọi nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, cắt giảm thủ tục hành chính)... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang nỗ lực chung tay phối hợp thực hiện nhiều chính sách thanh toán, ưu đãi cho khách hàng…

Ngoài số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 cũng tăng mạnh 20,1% so với cùng kỳ, ước đạt 42.300 tỷ đồng, chiếm 59,4% trong nhóm doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác.

Đạt được kết quả này, chuyên gia Doãn Hữu Tuệ cho rằng, chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đầy quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng với việc kịp thời ban hành các chính sách phù hợp; sự quyết liệt trong thực hiện của các bộ, ngành, địa phương… Các yếu tố này đã tạo nên những xung lực có tác động tích cực cho nền kinh tế.

Cần tiếp tục nỗ lực để xóa bỏ rào cản, vượt qua thách thức

Mặc dù nền kinh tế đạt được nhiều tín hiệu khả quan và tích cực bằng các con số đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024, nhưng chuyên gia Doãn Hữu Tuệ nhận định, những con số này vẫn chưa phải đạt hoàn toàn kỳ vọng. Để nền kinh tế thực sự bứt phá, kéo mức tăng trưởng của cả giai đoạn 2021- 2025 đi lên như kế hoạch đề ra, cần phải thực hiện tốt nhiều giải pháp hơn nữa cho nền kinh tế.

Chuyên gia này nhấn mạnh, trong cuộc họp Chính phủ đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu năm 2024 ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nổi như liên kết vùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

"Tôi cho rằng các nhiệm vụ, giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt trong năm 2024. Mặt khác, để nền kinh tế đạt được hiệu quả như kỳ vọng, các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp thực hiện quyết liệt, nghiêm túc; giải quyết các khó khăn một cách nhanh chóng, rốt ráo, không được để tồn đọng. Nếu để tuột thời cơ thì chúng ta sẽ mất cơ hội phát triển những ngành, lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh và đang nỗ lực để bứt phá", ông Tuệ nói.

Theo chuyên gia Doãn Hữu Tuệ, một giải pháp rất quan trọng là cần đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (yêu cầu này đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong cuộc họp đầu năm); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết trong phát triển kinh tế- xã hội, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi... Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội đồng Điều phối vùng; thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội.

Chuyên gia này nói: "Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "bắt rất trúng mạch" khi đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm?". Về vấn đề này, ông Tuệ gợi ý, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp- nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Bên cạnh cơ chế cho vay dựa vào tài sản thế chấp, các tổ chức tín dụng nên mạnh dạn cho vay bằng hình thức tín chấp theo đơn hàng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thời cơ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia, TS. Doãn Hữu Tuệ
Chúng ta cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi...

Trong lĩnh vực công nghiệp, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp- đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da- giày, chế biến nông lâm thủy sản và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; cùng với đó, cần đẩy nhanh việc vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Để thị trường bất động sản nắm được thời cơ và hoạt động tốt hơn, ông Tuệ cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp, như: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Với thị trường du lịch, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường, các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt; đề xuất thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài…

"Tín hiệu khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm đã tạo tâm lý hứng khởi, tin tưởng cho các nhà đầu tư và sẽ tạo đà tăng tốc cho nền kinh tế. Tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp kích thích kinh tế đồng bộ, phù hợp; với sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương và các chủ thể của nền kinh tế, Việt Nam sẽ nắm được thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2024 và tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế trên bản đồ thế giới", ông Tuệ nhấn mạnh.

Giang Oanh

82 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1155
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1155
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186185