Kinh tế Hong Kong đối mặt với nhiều thách thức tương đối lớn 

Do tình hình kinh tế kém hơn mong đợi trong nửa đầu năm và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi đáng kể, tăng trưởng GDP thực tế của Hong Kong đã được điều chỉnh giảm từ 1-2%.
Kinh tế Hong Kong đối mặt với nhiều thách thức tương đối lớn

Phát biểu tại Lễ trao giải bầu chọn thương hiệu Hong Kong (Trung Quốc) ngày 16/8, Giám đốc Sở Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh và nền kinh tế bên ngoài xấu đi, nền kinh tế Hong Kong năm 2022 phải đối mặt với những thách thức tương đối lớn.

Ngày 12/8, lần thứ hai trong vòng 3 tháng, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm. Nhà chức trách dự đoán nền kinh tế Hong Kong sẽ đạt mức tăng trưởng 0,5%. Do tình hình kinh tế kém hơn mong đợi trong nửa đầu năm và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi đáng kể, tăng trưởng GDP thực tế năm nay đã được điều chỉnh giảm từ 1%-2%.

Nền kinh tế Hong Kong nhìn chung đã được cải thiện trong quý 2 dù mức độ yếu hơn dự kiến. Lý do là nhu cầu toàn cầu giảm và sự gián đoạn liên tục đối với các chuyến hàng giữa Trung Quốc Đại lục và Hong Kong và đã đè nặng lên hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, hoạt động kinh tế ở Hong Kong phục hồi nhẹ, nhưng đà giảm nhẹ đã diễn ra vào cuối quý đó. Tăng trưởng GDP thực tế giảm xuống 1,3% trong quý 2 năm nay, sau khi giảm 3,9% trong quý 1.

Môi trường bên ngoài xấu đi rõ rệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Hong Kong trong thời gian còn lại của năm. Lạm phát cao ở các nền kinh tế tiên tiến dẫn đến việc một số ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, làm giảm đà tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nếu việc vận chuyển xuyên biên giới giữa Trung Quốc Đại lục và Hong Kong được cải thiện đáng kể, hoạt động ngoại thương của Hong Kong có thể dần tốt lên.

[Kinh tế Hong Kong đang đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái]

Ngoài ra, sau khi chính quyền quyết định rút ngắn thời gian cách ly COVID-19 tại khách sạn đối với người nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 3 ngày (sau khi hoàn thành cách ly 3 ngày tại khách sạn, du khách đến Hong Kong sẽ phải tự theo dõi sức khỏe trong 4 ngày tiếp theo), lượng khách đến Hong Kong đã tăng mạnh, số lượng chuyến bay đi và đến tăng 290%. Việc giảm số ngày cách ly cũng khiến nhiều khách doanh nhân quay lại Hong Kong. Đây cũng được coi là trợ lực để các hoạt động kinh tế có thể lấy lại động lực.

Ông Trần Mậu Ba cho biết Hong Kong đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh đầu tư của các nhà lãnh đạo tài chính quốc tế và giải đấu bóng bầu dục quốc tế Rugby Sevens nổi tiếng vào tháng 11 tới. Việc tổ chức các sự kiện này sẽ giúp kết nối và tương tác trở lại giữa Hong Kong và thế giới.

Bên cạnh đó, việc phát phiếu tiêu dùng giai đoạn hai trị giá 5.000 HKD (khoảng 15.000.000 đồng Việt Nam) vào ngày 7/8 vừa qua sẽ kích thích nền kinh tế đặc khu. Phiếu tiêu dùng sẽ thúc đẩy việc phổ biến thanh toán điện tử, cho phép các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới phát triển không gian và cơ hội. Ông cũng cho biết chính quyền đã đưa ra một số quỹ trợ cấp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét và tối ưu hóa các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ngày 17/8, Cơ quan thống kê Hong Kong đã công bố tỷ lệ thất nghiệp mới. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa đã giảm từ 4,7% trong giai đoạn tháng Tư đến tháng Sáu năm nay xuống còn 4,3% vào giai đoạn tháng Năm đến tháng Bảy.

Tỷ lệ thiếu việc làm cũng giảm từ 3% trong giai đoạn tháng Tư đến tháng Sáu năm nay xuống 2,2% trong giai đoạn tháng Năm đến tháng Bảy. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm ở hầu hết các ngành kinh tế./.

Mạc Luyện (TTXVN/Vietnam+)

 

406 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 967
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 967
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87085354