Nông nghiệp vượt khó vươn lên
Bức tranh nông thôn khởi sắc sau chương trình nông thôn mới. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc vụ hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tăng khá. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa và trồng rừng tập trung, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, lây lan trên diện rộng.
Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.087 nghìn ha lúa mùa, bằng 102,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 915,2 nghìn ha, bằng 103,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,8 nghìn ha, bằng 98,7%. Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 2.009,8 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 173,9 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.835,9 nghìn ha, bằng 98%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.568,6 nghìn ha, bằng 97,9%. Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau. Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 245,3 nghìn ha lúa thu đông, bằng 106,3% cùng kỳ năm trước. Hiện tại lúa thu đông đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn, đặc biệt khi tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn. Chăn nuôi lợn trong tháng 7 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và lây lan sang các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn. Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sản xuất lâm nghiệp trong tháng 7 tập trung vào hoạt động khai thác gỗ, bảo vệ và phòng chống cháy rừng ở các tỉnh phía Bắc, chuẩn bị trồng rừng ở các tỉnh phía Nam. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 7/2019 ước tính đạt 14,8 nghìn ha, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2019 ước tính đạt 740,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 400 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2019 ước tính đạt 340,5 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.521 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp 7 tháng đạt mức tăng khá
Cũng theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2019 ước tính tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,4%; chế biến, chế tạo tăng 10,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,7%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới thành lập
Báo cáo còn nêu rõ, trong 7 tháng năm 2019 có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, điều này dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp ra nhập thị trường.
Trong tháng 7/2019, cả nước có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,2 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%. Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm nay là 743,9 nghìn người, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 24,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% (vốn đăng ký đạt 280,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 11,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,8% (vốn đăng ký 108,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%); Tây Nguyên 2 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,3% (vốn đăng ký 24,9 nghìn tỷ đồng, tăng 107,7%); Đông Nam Bộ 33,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2% (vốn đăng ký 492,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 5,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,9% (vốn đăng ký 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%).
Dấu hiệu tích cực trong thực hiện vốn đầu tư
Hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút đầu tư đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%. (Ảnh: HNV)
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2019 mặc dù đã có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 7 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước tính đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2019 thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,70 tỷ USD và 3.654 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.
Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.059 triệu USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%; các ngành còn lại đạt 1.370,7 triệu USD, chiếm 16,6%.
Cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng năm 2019, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh…
Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản….
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm nay có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 180,1 triệu USD; 21 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 97,3 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng năm 2019 đạt 277,4 triệu USD.
Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 ước tính đạt 288,47 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%). Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2019 đạt 21.428 triệu USD, thấp hơn 172 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2019 ước tính đạt 22,60 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2019 đạt 19.495 triệu USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 22,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,2%), trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 xuất siêu 1,9 tỷ USD; 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,6 tỷ USD; tháng 7 ước tính xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,6 tỷ USD.
Có thể thấy, với những số liệu trên, diễn biến kinh tế trong tháng 7 và 7 tháng qua vẫn duy trì đà tăng trưởng khá ổn định, tin tưởng mục tiêu tăng trưởng cả năm là khả quan./.
Lê Nguyễn