Kinh tế 4 tháng đầu năm ghi nhận một số điểm khởi sắc 

(ĐCSVN) - Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực nhờ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3.

Những điểm sáng tích cực

 Ghi nhận một số điểm sáng tích cực của nền kinh tế 4 tháng qua (Ảnh: HNV)

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tháng 4/2022, nhiều hoạt động đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp đã trở lại bình thường; Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan. Tính đến trung tuần tháng 4, các địa phương phía Nam gieo cấy được 395,9 nghìn ha lúa hè thu, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2021 do người dân tranh thủ xuống giống sớm để tránh hạn mặn. Chăn nuôi phát triển ổn định, ước tính tổng số trâu của cả nước đến thời điểm cuối tháng 4/2022 giảm 1,9%; tổng số bò tăng 1,3%. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, tổng số lợn tăng 5,5%; tổng số gia cầm tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2021.

Sản lượng thủy sản tháng 4/2022 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2021; tính chung 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2,6 triệu tấn, tăng 2,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.574 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ 2021.

Đáng chú ý là dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021. Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ 2021: Sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất da và các sản phẩm liên quan cùng tăng 12,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,7%; khai thác than cứng và than non tăng 9,3%.

Thêm vào đó, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 ước tính tăng 12,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tháng 4 tăng lần lượt là 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ 2021; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tăng 5,2% và tăng 10,5%.

Vận tải hành khách tháng 4 có mức tăng khá cao do dịch COVID-19 đã được kiểm soát cùng với chính sách mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 nên nhu cầu đi lại của người dân tăng, hành khách luân chuyển tăng 13,2% so với cùng kỳ 2021. Vận tải hàng hóa tháng 4 duy trì tốc độ tăng cao 14,5% về vận chuyển và tăng 14,7% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hàng hóa tăng 4,8% và luân chuyển hàng hóa tăng 12%.

Sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh của kinh tế nước ta hiện nay (Ảnh: PV) 

Đáng mừng là, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2022 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ 2021.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 65,45 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD.

Tin vui nữa là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên chạm mốc 15.000 doanh nghiệp, nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy sự tin tưởng và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tiến độgiải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh nên trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm các năm 2018-2022.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 0,89% của bình quân 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 4 tháng đầu năm 2017-2020. Lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm 2022 tăng 0,97%.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Tính đến ngày 25/4/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ đạt hơn 43,2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 36,6 triệu lượt người lao động và 381,7 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 346,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh và mạnh (Ảnh: PV) 

Tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19”, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, nhất là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của Nhân dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt và chủ động của các bộ, cơ quan trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; đẩy mạnh phân công, phân quyền trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Mặc dầu vậy, Bộ trưởng cũng thắng thắn cho rằng, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do các nguyên nhân như tình hình kinh tế - chính trị khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng; kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi, trong khi một số chính sách hỗ trợ chậm được triển khai; dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã có 03 Công điện đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai công việc được giao. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, từ khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành đến nay, đã có 04 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Thường trực Chính phủ về danh mục, mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 16/16 địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình qua địa bàn mình; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan, địa phương cần nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; bám sát tình hình, chủ động dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn. Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tập trung, ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; điều hành tín dụng phù hợp, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế./.

 

 
Lê Anh
324 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1040
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1040
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87203790