Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một xã nghèo 

(ĐCSVN) - Xuân Thủy là một xã thuần nông, có diện đất tự nhiên nhỏ nhất nhưng lại là “lá cờ đầu” trong thâm canh sản xuất lúa của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, xã Xuân Thủy đồng thời cũng là điển hình của tỉnh Nam Định trong khắc phục khó khăn, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới…

 

Tìm hiểu được biết, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Xuân Thủy luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Trường và sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên trên hệ thống phát thanh nội bộ của xã để cán bộ và nhân dân nắm chắc Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội Đảng bộ xã Xuân Thủy giai đoạn 2010 - 2015 xác định mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ và chính quyền xã đã xác định từng mục tiêu phù hợp với mỗi giai đoạn cụ thể; trong đó, giai đoạn 2010 - 2015 tập trung vào nhiệm vụ chính là phát triển nông nghiệp. Đến năm 2012, khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, xã Xuân Thủy đã chủ động kiên cố hóa toàn bộ nội đồng, hệ thống kênh mương, phát triển giao thông đi lại, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, sản xuất hàng hóa. Đánh giá về hiệu quả của quá trình dồn điền đổi thửa mang lại, đồng chí Đặng Kim Thuyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Thủy cho biết: Trước năm 2012, bình quân mỗi hộ trong xã có đến 05 thửa ruộng; sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa, bình quân chỉ còn 03 thửa/1 hộ. Với chính sách dồn điền đổi thửa, người nông dân có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng phát triển nông nghiệp làm mũi nhọn. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Xuân Thủy có đến 50% số lao động có sức khỏe đi làm ăn xa địa phương. Năm 2018, bình quân thu nhập người dân trong xã đã đạt 33,2 triệu/người/năm.

Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa ở xã Xuân Thủy. (Ảnh: XK)

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới toàn diện, hiệu quả, trong giai đoạn 2015 - 2017, xã Xuân Thủy đã đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa, phát triển giáo dục đảm bảo đủ tiêu chí mỗi nhà trường có ít nhất 08 phòng học. Cùng với đó, các ban ngành đoàn thể trong xã như: Hội nông dân xã đã vận động các hội viên xây dựng gia đình nông dân văn hóa; hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, vận động cán bộ, hội viên tích cực học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia bảo vệ môi trường. Hội cựu chiến binh với các mô hình trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường tự quản, gương mẫu trong trong lời nói và việc làm để con cháu noi theo. Đoàn Thanh niên phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, bảo vệ môi trường… Ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Thủy, UBND tỉnh Nam Định đã công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017.

Một kinh nghiệm quan trọng rút ra trong xây dựng nông thôn mới ở xã Xuân Thủy đó là Đảng bộ và nhân dân đã thường xuyên thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Xuân Thủy cơ bản đã được bê tông hóa và trồng hoa hai bên lề đường. Các công trình phục vụ dân sinh như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm được xã hỗ trợ xây dựng, tu sửa nâng cấp khang trang đúng theo tiêu chuẩn. Nếu như trước đây, Xuân Thủy được biết đến như là một xã nghèo của huyện Xuân Trường, thì giờ đây Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả đã và đang thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới nơi đây. Năm 2018, các trường tiểu học trong xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; riêng các trường mầm non phấn đấu đạt chuẩn vào tháng 6/2019. Toàn xã Xuân Thủy hiện có 70% các xóm đạt chuẩn văn hóa; 85 % các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa

Cùng với đó, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân,UBND xã Xuân Thủy luôn xác định mục tiêu cao nhất và cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân. Vì vậy, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuân Thủy đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương như đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng; nuôi tôm, chăn nuôi lợn, bò theo mô hình liên kết, phát triển kinh tế vườn.

Sau 7 năm thực hiện, vượt qua những khó khăn về kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền xã Xuân Thủy, các ban ngành, đoàn thể trong xã đã quán triệt và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh về đích trước xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn được đổi mới ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, các thiết chế văn hóa được củng cố, sản xuất nông nghiệp phát triển, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Được công nhận là xã nông thôn mới vừa là niềm vinh dự, tự hào to lớn nhưng cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Thủy làm sao vừa phát huy tốt thành quả xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí theo hướng bền vững./.

Bài, ảnh: Đặng Xuân Khu

246 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 627
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 627
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76201712