Cũng theo bà Hương, đây sẽ là nền tảng vững chắc để Tổng cục Thống kê xây dựng các phương án đổi mới Tổng điều tra dân số theo hướng hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với tinh thần của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050. “Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Việt Nam là một ví dụ rất điển hình về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các giai đoạn của Tổng điều tra, như đã được chia sẻ nhiều lần tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Các quốc gia khác cũng đang học hỏi kinh nghiệm tổng điều tra của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần tiến xa hơn theo hướng ứng dụng chuyển đổi số trong tương lai”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương dẫn chứng.
|
Huy động cả hệ thống chính trị vào Tổng điều tra dân số ở nước ta (Ảnh: PV) |
Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra, quốc gia nào có các hệ thống đăng ký và nguồn dữ liệu hành chính đáng tin cậy, nhất quán và chất lượng cao, thì có thể thực hiện Tổng điều tra dựa trên dữ liệu hành chính. Phân tích về thực tế này, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam thông tin thêm, Tổng điều tra dân số theo phương pháp kết hợp có thể được coi là một quá trình quá độ từ phương pháp truyền thống sang cách thức tiến hành Tổng điều tra dựa vào dữ liệu hành chính. “Với mức độ đa dạng của các hệ thống đăng ký của Việt Nam, cũng như quy mô dân số và đặc điểm tăng trưởng kinh tế – xã hội đang phát triển nhanh chóng của đất nước, điểm then chốt là Tổng cục Thống kê cần nắm được những kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia khác. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong tiến trình này, vì chúng ta có mục tiêu chung là dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn cho Việt Nam”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số làm căn cứ để biên soạn các chỉ tiêu thống kê dân số. Tuy nhiên, tất cả các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số nói trên đều thực hiện theo phương pháp truyền thống. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các nguồn dữ liệu hành chính khác nhau trong tổ chức triển khai và hỗ trợ biên soạn một số chỉ tiêu thống kê quan trọng, nhằm giảm bớt gánh nặng điều tra.
|
Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Việt Nam là một ví dụ rất điển hình về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các giai đoạn (Ảnh: PV) |
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã đem lại cho Việt Nam cơ hội tốt trong việc số hoá các nguồn dữ liệu hành chính phục vụ công việc quản lý của các bộ, ngành. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính hay dữ liệu lớn cho công tác thống kê, trong đó có các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số trở thành ưu tiên chiến lược đối với ngành thống kê.
Và cũng vì lẽ đó, việc tiếp thu một số kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số sẽ mang đến cho Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành có liên quan kiến thức và kinh nghiệm về khai thác dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê; trong đó, có việc biên soạn và công bố chỉ tiêu thống kê, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số từ Tổng điều tra theo phương pháp truyền thống sang áp dụng phương pháp kết hợp. Hoặc, dựa trên dữ liệu hành chính với các chủ đề dựa trên sự sẵn có của dữ liệu, khả năng công nghệ, cơ sở pháp lý và vai trò các bên liên quan./.
Lê Anh