Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Vi phạm liên quan đến lũng đoạn thị trường là hành vi của kinh doanh thiếu trách nhiệm
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả Nhà nước, DN và xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã khẳng định quan điểm "coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển".
Quá trình đổi mới của Việt Nam trong hơn 35 năm đạt nhiều thành tự quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro trên các lĩnh vực của đời sống. Lý do là tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm một số rủi ro về xã hội và môi trường có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân.
"Một số vi phạm pháp luật liên quan các hành vi lũng đoạn thị trường hay tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong dịch bệnh đang được xử lý vừa qua ở Việt Nam là ví dụ về hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ rõ.
Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Trong bối cảnh đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi DN không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của DN nhưng Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng "Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam" để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.
Bộ Tư pháp xác định ít nhất 3 định hướng để chuẩn bị nội dung Đề án, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai, bao gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan và nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng tất yếu
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các Nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia.
Trả lời câu hỏi vì sao cần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của DN tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã ký hơn 15 hiệp định thương mại, trong đó có 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đề cao thương mại bền vững với những tác động tích cực đến quyền con người.
"Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trong các văn kiện của các cơ quan có thẩm quyền. Song lăng kính kinh doanh và quyền con người vẫn chưa được nhấn mạnh một cách đầy đủ. Kế hoạch hành động quốc gia thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ bổ sung cho khoảng trống này, bảo đảm tính nhất quán của chính sách và văn bản quy phạm pháp luật", bà Caitlin Wiesen nói.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhìn nhận, đây là xu hướng kinh doanh tất yếu của DN, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN vì sự phát triển bền vững của DN và xã hội, trong đó có bảo đảm quyền lợi của người lao động, người tiêu dùng hiện nay.
Chỉ ra những khó khăn mà người lao động đối mặt trong và sau đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ cái nhìn từ thực tế khảo sát của mình. Theo ông Hiểu, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ nhiều vấn đề rất đáng để suy nghĩ khi công nhân rời bỏ các công ty ở các thành phố về nông thôn bởi mức lương thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, nhiều người không được ký hợp đồng lao động, nhà trọ cho công nhân chật chội…
Thực hiện kinh doanh có trách nhiệm là Nhà nước, DN và xã hội cùng chung tay để chăm lo cuộc sống của người lao động tốt hơn, nhất là với người yếu thế, lao động di cư, lao động khuyết tật chứ không phải bớt đi các chi phí để tăng lợi ích của DN.
Các giải pháp, cơ chế nâng cao kinh doanh có trách nhiệm
Đề xuất giải pháp cho thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu Báo cáo đánh giá hiện trạng tình hình kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam khuyến nghị, Nhà nước cần bảo đảm hoạt động này như ban hành Chương trình hành động quốc gia về hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Hỗ trợ DN, tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm qua các cơ chế ưu đãi, tự quản, giám sát, thanh tra công bằng và hiệu quả, giải quyết vướng mắc và khiếu nại, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân, DN, công chức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Đối với cộng đồng DN, cần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm với việc xây dựng cơ chế, kế hoạch của DN, nhất là các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tham gia các chuỗi cung ứng. Đồng thời, xây dựng cơ chế tự khắc phục và phòng ngừa, như thủ tục và nguyên tắc giải quyết khiếu nại của DN, quy chế và quy tắc về quản trị nội bộ, ứng xử, đạo đức kinh doanh. Xây dựng các phương án thực hành tiết kiệm theo quy định của pháp luật và xu hướng của quốc tế.
Đối với giải pháp về cơ chế tư pháp, nhóm nghiên cứu đề xuất củng cố các nguyên tắc về chứng cứ và trách nhiệm cung cấp chứng cứ trong hoạt động tố tụng dân sự và hành chính tạo điều kiện cho bên yếu thế khi thực hiện quyền khiếu nại tại Toà án. Thúc đẩy áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực lao động, bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu mô hình và thủ tục tố tụng thân thiện, dễ tiếp cận với trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, lao động di cư. Xây dựng cơ chế khiếu nại tập thể trong lĩnh vực môi trường, đầu tư và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao năng lực giải quyết các vụ án có liên quan đến việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho đội ngũ thẩm phán.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá cũng đưa ra các giải pháp về cơ chế phi tư pháp để khắc phục, ngăn ngừa và giảm thiểu như xây dựng chính sách và quy định pháp luật về thúc đẩy cơ chế trọng tài và hoà giải chuyên ngành lao động, thương mại. Xây dựng các biện pháp để tăng cường tính hiệu quả của cơ chế giải quyết khiếu nại tại cơ quan nhà nước. Thúc đẩy cơ chế tiếp nhận và xử lý khiếu nại, vướng mắc từ người dân và DN tại các cơ quan quản lý nhà nước.
Lê Sơn