Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đạt 4,1 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tiềm năng khác, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng qua đạt 4,1 tỷ USD.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết ngành thuỷ sản 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) diễn ra hôm nay (6/7).

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục đàm phán để khôi phục lại thị trường Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp thủy sản đang căng mình phòng chống dịch COVID-19, có doanh nghiệp tính tới phương án công nhân có thể ăn ở ngay trong phạm vi nhà máy. Vấn đề được ông Nam đặc biệt lưu tâm thời gian tới là câu chuyện cấp mã số nuôi trồng thủy sản cho mặt hàng chủ lực là tôm. 

“Mặt hàng cá tra đã làm rất tốt việc cấp mã số nuôi trồng, song mặt hàng tôm thì còn nhiều vấn đề. Hiện nay, Mỹ và nhiều thị trường khác rất quan tâm vấn đề này. Mã số nuôi trồng thủy sản mặt hàng tôm hiện chủ yếu được phân về cho địa phương, tôi cho rằng Tổng cục vẫn phải đóng vai trò “nhạc trưởng””, ông Nam nói. 

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: “Về đánh mã số nuôi trồng thủy sản đối với mặt hàng chủ lực là tôm, trước mắt tất cả những nơi nào có thể đáp ứng được, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đều đã có văn bản chỉ đạo địa phương, đôn đốc liên tục suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới”.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng, cần chú trọng chia sẻ thông tin và tháo gỡ rào cản các thị trường. “Trong 6 tháng cuối năm, ngành thuỷ sản cần tận dụng cơ hội thị trường để phát triển các đối tượng vật nuôi, chủ lực ở đây là tôm, cá tra và nhuyễn thể, đồng thời chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết, phát triển những đối tượng nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đảm bảo tăng trưởng phải chú trọng đến phòng chống dịch bệnh. Dịch COVID-19 hiện nay chưa thể lường hết được diễn biến, việc giãn cách cũng ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính. Kiểm tra duy trì điều kiện về cơ sở nuôi để truy xuất nguồn gốc trong điều kiện dịch hiện nay không đi kiểm tra được, cần có giải pháp kiểm tra trực tuyến để thuận lợi về cải cách hành chính cũng như khơi thông sản xuất”, ông Cẩn nhìn nhận.

Để tiếp tục triển khai khắc phục "thẻ vàng IUU", một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân các quy định mới liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện. Theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết, nhất là trong những tháng nhiều mưa bão để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền khai thác phù hợp nghề và nguồn lợi thủy sản. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, thủy sản là một trong những trụ cột đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp, có tính chất quyết định thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ giao. Lưu ý về việc phát triển ngành tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, công tác giống và an toàn sinh học là 2 yếu tố quyết định để ngành thủy sản phấn đấu mục tiêu. Theo đó, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu công nghệ cao sản xuất tôm giống.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Sản xuất tôm năm nay tăng 13% về sản lượng, chất lượng cũng tăng nên đạt hiệu quả cao trong xuất khẩu. Với 74.000 ha nuôi tôm cần quan tâm hơn về giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh và an toàn sinh học để các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt ở mức cao nhất. Cá tra tăng 18% sản lượng, cùng với đó đã mở được thị trường Nga và sẽ khai thác thêm một số thị trường khác để làm sao với diện tích 6.000 ha, năng suất và sản lượng đều đáp ứng xuất khẩu tốt. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục củng cố thương mại điện tử và đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa với 100 triệu dân; giải quyết tốt được đầu ra, tái cơ cấu cả nuôi trồng và khai thác thủy sẽ đạt kết quả cao”. 

Đỗ Hương

150 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 523
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 523
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76723307