|
Ảnh minh họa: B.T |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 9, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 8/2023 và tăng 22% so với tháng 9/2022.
Tính chung, 9 tháng năm 2023, do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính giảm sâu, nên tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%. Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng: nông sản 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% (đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; gạo 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỷ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỷ USD, tăng 1,9%) và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4%.
Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng nông sản chính ghi nhận giảm như: Cao su 1.335 USD/tấn, giảm 18,7%; chè 1.711 USD/tấn, giảm 2,3%; hạt điều 5.722 USD/tấn, giảm 4,5%; hồ tiêu 3.309 USD/tấn, giảm 25,1%; sắn và sản phẩm từ sắn 420 USD/tấn, giảm 4,8%...
Riêng giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn) và cà phê 2.499 USD/tấn, tăng 9,9%.
Về thị trường, theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ đạt 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu đạt 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi đạt 809 triệu USD, tăng 18,8%; châu Đại Dương đạt 570 triệu USD, giảm 18,6%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8%; Hoa Kỳ chiếm 20,7%, giảm 22,6% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 7,7%./.