Sáng 7-11, mưa lớn xảy ra dồn dập ở thượng nguồn khiến mực nước lũ trên các sông của Thừa Thiên - Huế lên lại. Nhiều người nhà đã phải tay nách xách mang đồ đạc đi tránh lũ mới.
Bà Phan Thị Hoa (60 tuổi; xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) nói: “Lũ lớn lại tràn vào nhà, các con không về kịp, tui lại phải sang nhà hàng xóm trú tạm. Giờ xung quanh, bốn bề đều là nước, biết đi đâu được”. Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, lũ trên các sông Ô Lâu, sông Bồ đang ở mức (xấp xỉ báo động 3). Tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị chia cắt vì ngập sâu từ 0,4-1m nước. Huyện đã sơ tán hơn 1.300 hộ dân ở những nơi rốn lũ, thấp trũng đến nơi an toàn; dựng rào chắn cấm người và phương tiện qua lại những đoạn đường ngập sâu; tiếp tế lương thực và nước uống cho người dân di dời tránh lũ tại các trường học và trụ sở UBND các xã.
Các vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện vẫn trong tình trạng bị ngập sâu; nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn.
Tại Quảng Trị, mưa lớn dồn dập từ tối ngày 6 kéo dài đến trưa 7-11 đã khiến lũ trên các con sông phía Nam tỉnh này lên lại. Nhiều hộ dân vùng trũng của huyện Hải Lăng cũng đang đối diện với nguy cơ lũ lớn; trong khi tình trạng sạt lở núi gây chia cắt giao thông vẫn diễn ra tại các vùng núi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trực tiếp đến các vùng thấp trũng, động viên nhân dân, chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó nhằm hạn chế những thiệt hại do lũ lớn.
Trưa 7-11, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi cơ bản đã rút nên người dân tỉnh này tập trung sửa chữa, khắc phục 39.000 ngôi nhà bị, tốc mái, hư hỏng hoặc sập đổ hoàn toàn trong lũ dữ. Tại xã Bình Chương - một trong những địa phương thiệt hại nặng nhất huyện Bình Sơn, khi nước vừa rút, người dân gấp rút trở về nhà dọn dẹp bùn non; ở những nơi có bùn dày, người dân thuê xe múc, máy bơm hỗ trợ. Ông Lê Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Chương, cho biết. “Trước mắt huy động mọi lực lượng dọn dẹp lại các điểm ảnh hưởng nặng. Trường học, trạm y tế, những nơi công cộng sẽ huy động thêm các lực lượng xung kích địa phương dọn dẹp để kịp thời ổn định đời sống người dân”.
Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) 2 ngày sau khi bão 12 quét qua đã trở nên trống hoắc. Hàng ngàn lồng bè nuôi tôm, cá của người dân nơi đây vỡ vụn trôi lênh láng; nhiều nhà cửa của người dân bị bão đánh hư hỏng, tốc mái sập vách tường. Bà Nguyễn Thị Ngân (55 tuổi, xã Xuân Thịnh) xâm xấp nước mắt nói: “Giờ chỉ biết cố gắng moi móc cái lồng cá được vớt từ biển lên, với hy vọng kiếm được chút gì còn sót lại trong lồng”.
Bão tan, lũ rút nhưng người dân huyện An Lão (Bình Định) vẫn đang chất chồng khó khăn. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Nước lũ đã xuống thấp nên huyện đang chỉ đạo cho các ngành, địa phương hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Hiện địa phương bố trí các lực lượng túc trực kịp thời hỗ trợ người dân, bởi việc đi lại còn gặp khó khăn.
Thống kê thiệt hại bước đầu sau bão lũ, tại Khánh Hòa có 37 người chết, 138 người bị thương; số người mất tích chưa thể thống kê chính xác. Toàn tỉnh có 993 căn nhà bị sập hoàn toàn, trên 25.000ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Điện lực Khánh Hòa, toàn tỉnh có đến 3.179 trạm biến áp bị mất điện ảnh hưởng đến 127 xã. Hiện ngành điện lực miền Trung đã huy động lực lượng hỗ trợ Khánh Hòa khắc phục lưới điện.
Theo báo cáo tình hình thiệt hại của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cập nhật đến ngày 7-11 đã có 69 người chết vì mưa bão lũ. Bão lũ cũng làm 1.484 nhà sập đổ, 119.222 nhà bị tốc mái hư hỏng; gần 23.000ha lúa, hoa màu và lồng bè hải sản bị hư hỏng.
NHÓM PV