Kiên trì các giải pháp phát triển kinh tế năm 2018 

(ĐCSVN) – Con số thống kê về kinh tế tháng 7 và 7 tháng 2018 cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Điều này càng khẳng định cần tiếp tục kiên trì các giải pháp mà Chính phủ đề ra để đạt được mục tiêu chung của cả năm.

 

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 được dự báo là có thể khả thi (Ảnh minh họa: HNV)

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp tháng 7/2018 cũng nêu rõ, sẽ không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018, kể cả thuế môi trường xăng dầu. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. 4 mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm: Tăng GDP; ổn định giá cả; tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khoảng 2,2%. Đáng chú ý, nền kinh tế có dấu hiệu đảo chiều từ quý II/2017, bắt đầu với tốc độ tăng trưởng cao mà theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nguyên nhân chính là do những nỗ lực cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng năng suất lao động và chỉ số đổi mới sáng tạo tăng.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro ngắn hạn, trước mắt, gồm các rủi ro thương mại, tiền tệ, rủi ro dòng vốn… nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước mà Mỹ nhập siêu, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ… Tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Viện nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) nhận định, với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể xấu hơn, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 vẫn được xem là khả thi. Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý II/2018, đạt 6,79%. Tuy không cao bằng ba quý trước đó, đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao 12,7%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trở lại đặt ra thách thức tái cơ cấu lại ngành từng là ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam.

Lạm phát quý II tiếp tục gia tăng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Trong khi đó, lạm phát lõi trở lại ổn định sau khi tăng mạnh vào tháng 2, cho thấy NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.

Thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn còn là bài học sống động cho Việt Nam. Một  giải pháp khả thi là các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng thua ngay trên sân nhà.

Diễn biến trên của nền kinh tế cho thấy, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều vẫn là mục tiêu chúng ta cần kiên định. Hơn nữa, cũng cần phải chú ý, phát triển kinh tế nhưng phải chú trọng vấn đề môi trường, đặc biệt, chú trọng an toàn cho người dân tốt, kể cả an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn trước thiên tai, nhất là trước tình hình lũ, bão ngày càng phức tạp như hiện nay.

Trong việc đảm bảo và kiên trì các giải pháp chung của Chính phủ chỉ đạo, thiết nghĩ, cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể. Việc gia tăng khối lượng, chất lượng tăng trưởng lúc này cần tập trung vào cả cung và cầu. Một mặt chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Đối với tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, trước đánh giá tiến độ còn chậm, cần thiết phải công khai danh sách địa phương chậm trễ và giao nhiệm vụ cho Tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, đôn đốc những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhưng chậm trễ trong sắp xếp, cổ phần hóa.

Ngoài ra, tiếp tục xem xét, giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng liên quan đến nhập trái phép phế liệu, tình hình phức tạp của mưa bão, lũ, vấn đề minh bạch trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học cùng các vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm để củng cố niềm tin trong cộng đồng, khắc phục khó khăn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả như mong muốn./.

Lê Nguyễn

718 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1054
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1054
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87085273