Doanh nghiệp tư nhân cần môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển (Ảnh: K.D)
Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy làm sao để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là vấn đề được đặt ra.
Nhằm chỉ ra những rào cản, khó khăn thách thức mà thành phần kinh tế tư nhân đang gặp phải, qua đó tìm ra giải pháp hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, ổn định và hiệu quả, ngày 26/10, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Những rào cản với doanh nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có hơn 600 ngàn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân. Hầu hết đều là các doanh nghiệp trẻ thành lập từ năm 2000 trở lại đây và khá lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đến xây dựng, công nghiệp.
Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp gặp khó khăn ở các phương diện: Khách hàng, thị trường; Tiếp cận vốn vay; Lao động và chất lượng lao động; Thanh tra, kiểm tra; Tiếp cận đất đai; Vấn đề chi phí không chính thức…
Khảo sát cũng cho thấy, với doanh nghiệp quy mô đầu tư bé thì hiệu quả kinh doanh càng thấp. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn khá lạc quan với 48% doanh nghiệp có xu hướng mở rộng quy mô công khai. Với khó khăn về khách hàng, thị trường khảo sát cho thấy mức độ hội nhập kết nối của doanh nghiệp tư nhân vào chuỗi toàn cầu rất là thấp.
Nhìn vào môi trường chính sách, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng chỉ ra 3 rào cản với doanh nghiệp đó là: gánh nặng chi phí, thời gian để tuân thủ quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh. Khi đàm phán các hiệp định, các nước rất quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi bảo vệ an toàn trong kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ thì khi đó doanh nghiệp mới ưu tiên đầu tư sáng tạo và thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Mặc dù chúng ta có một môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng điều gì tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển? Ông Hiếu cho rằng khi nói đến thị trường thì không thể không nói đến yếu tố cạnh tranh. Chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng là điều sống còn của một nền kinh tế thị trường. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển.
Một vấn đề nữa mang tính chất nội tại của doanh nghiệp, theo ông Hiếu, yếu tố là nguồn gốc sâu xa của tất cả các cuộc khủng hoảng về tài chính, kinh tế của châu Á đó là về sự yếu kém về quản trị doanh nghiệp. Chính điều này quyết định đến sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết thiếu vốn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi.
Phát triển mạnh hình thức công ty cổ phần là giải pháp có thể tăng quy mô doanh nghiệp ngay từ bước khởi đầu. Hơn nữa, hình thức công ty cổ phần sẽ tạo điều kiện thúc đẩy công khai tài chính, một trong những điểm yếu đang ngăn cản khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng sẽ xem xét ở phần sau.
Dĩ nhiên, ngoài các chính sách và cơ chế tài chính để hình thức công ty cổ phần trở thành lựa chọn đầu tiên của các nhà doanh nghiệp thì sự phát triển của thị trường tài chính phi ngân hàng, đặc biệt là thị trường chứng khoán phi tập trung đóng vai trò quyết định.
Như vậy, do quy mô vốn nhỏ và khả năng tự tài trợ bị hạn chế bởi hình thức tổ chức doanh nghiệp và thị trường tài chính phi ngân hàng kém phát triển nên khu vực kinh tế tư nhân trông cậy rất nhiều vào việc vay ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn kinh doanh. Theo số liệu chính thức, tỷ trọng tín dụng cho kinh tế tư nhân hiện nay trong tổng tín dụng ngân hàng còn thấp, cách xa so với nhu cầu của khu vực này cũng như không tương xứng với vai trò và vị thế của nó trong nền kinh tế.
Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân
Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân phải dựa vào vốn từ bên trong mà ít có khả năng tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài, cụ thể là với nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại chính là niềm tin. Theo ông Ánh, quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên, không nên tự giới hạn đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nên mở rộng thành Qũy bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh vì kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy, chính những doanh nghiệp càng lớn lại càng có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, việc hợp thức hoá và phát triển thị trường bất động sản có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với mở rộng tín dụng ngân hàng cho kinh tế tư nhân mà còn cải thiện nguồn nội lực của khu vực này.
Vấn đề thuế là vấn đề quan trọng thứ hai sau vốn nhưng lại được các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói tới nhiều nhất. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thuế hiện nay quá cao do đó yêu cầu được ưu đãi, miễn giảm và chính sách thuế mang nặng tính tận thu và kết quả là hệ thống thuế quá phức tạp với những ưu đãi tràn lan không công bằng. Ông Ánh cho biết, muốn vậy cần triệt để loại bỏ tất cả các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi theo tiêu chí thành phần kinh tế, theo ngành nghề hay theo điều kiện địa lý vì rất dễ nảy sinh những tiêu cực và khó quản lý trong khi các điều kiện con người, tổ chức và cơ sở vật chất quản lý còn nhiều hạn chế.
Trước mắt chỉ duy trì ưu đãi thuế chung cho các doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời có thể thay thế các ưu đãi thuế khác bằng các hình thức hỗ trợ tài chính từ Nhà nước căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng tài chính của Nhà nước, và chấm dứt hỗ trợ khi thấy không cần thiết trên cơ sở tập trung những nỗ lực quản lý tài chính Nhà nước vào việc hỗ trợ này.
Ngoài thuế xuất nhập khẩu, hai sắc thuế quan trọng nhất đối với kinh tế tư nhân là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đều cần được cải tiến theo hướng giảm và thống nhất thuế suất. Nên áp dụng thuế suất thuế GTGT chung ở mức 10%, đồng thời thống nhất một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 15% hoặc 20%.
Ông Ánh cũng cho rằng, tài chính đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các vấn đề tài chính phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp nên không thể trông chờ có ngay những giải pháp đồng bộ và chờ có giải pháp tài chính đồng bộ mới thực hiện mà nên triển khai những cơ chế và chính sách có thể giải quyết ngay những vướng mắc tài chính của kinh tế tư nhân với quan điểm là tạo ra những thuận lợi tài chính cao nhất có thể cho động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân này.
Ngoài ra, các ý kiến tham luận khác cũng cho rằng chúng ta cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Cụ thể, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp của tư nhân; thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; Hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cần bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ "lợi ích nhóm" dưới mọi hình thức. Không biến việc chấp thuận, xác nhận, chứng nhận đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật thành giấy phép con, gây cản trở hoạt động của kinh tế tư nhân.
Đồng thời mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, trong đó, phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hoá, dịch vụ trên cả nước, đặc biệt là thị trường tư liệu sản xuất; đồng thời có biện pháp bảo vệ có hiệu quả thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế. Đó chính là các giải pháp nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển./.
Kim Dung