Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong quy hoạch 

(ĐCSVN) – Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cần kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Tiếp tục chương trình phiên họp 32, sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch 

Trình bày tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị, nông thôn; công tác quy hoạch có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng; làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; đồng thời thống nhất quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn trong một bộ luật, tạo thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả.

 Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều điểm mới.

Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch. 

Dự thảo Luật đề xuất tăng cường phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật. 

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Dự luật cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc...

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về Hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, về định hướng nội dung xây dựng Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn. 

Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới…

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị cần nhấn mạnh nội dung kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án Luật công phu trách nhiệm; đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu nhiều vấn đề lớn chi tiết để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thêm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện về hồ sơ dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cụ thể hóa hơn quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu. Chủ tịch Quốc hội lưu ý dự án luật cần rà soát để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Tham gia phát biểu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ nội hàm của việc tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và việc quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Về loại đô thị và cấp đô thị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị không quy định trong dự thảo Luật vấn đề này do không thuộc phạm vi điều chỉnh. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, do đó nội dung về loại đô thị nên để trong Luật Quản lý phát triển đô thị.

Tán thành với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch ở đô thị và nông thôn, từ đó giúp nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch nhưng Tổng thư ký Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ việc huy động và sử dụng các nguồn lực này để tránh nguy cơ thông qua hỗ trợ việc quy hoạch để tác động chính sách, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ. 

Ông Bùi Văn Cường cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về việc công bố công khai minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ để người dân giám sát.

Quan tâm nội dung về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy góp ý, các vấn đề hạ tầng kỹ thuật như liên quan đến giao thông, cấp thoát nước, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt…; các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, cây xanh, mặt nước… là những nội dung bức xúc trong quá trình giám sát. Do đó, Chủ nhiệm Lê Quang Huy bày tỏ băn khoăn có quy định nào cụ thể hơn về nội dung này không, căn cứ như thế nào để biết là “quá tải”? Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về nội dung này vào dự thảo luật. /.

 
Kim Thanh
134 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1311
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1312
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87175284