Kiên quyết không để nhân dân thiếu thực phẩm, rau quả, thuốc men 

(Chinhphu.vn) - “Bằng mọi giải pháp, hai Bộ Công Thương - NNPTNT cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam”.
Cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì sáng 18/7. Ảnh: VGP

Thông tin đưa ra tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp, phương án về nguồn hàng, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh phía Nam khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì, cùng tham gia có đại diện các Sở Công Thương, Sở NNPTNT tại 19 đầu cầu tại các địa phương. 

Khó khăn trong vận chuyển, phân phối hàng hóa

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, thời gian qua, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống. Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.

Ông Đông thừa nhận, thực tế hiện nay theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá cả một số mặt hàng.

Do một số nguyên nhân như: Thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng/điểm bán tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng; thêm giá xăng tăng và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc....

Cùng đó chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên (tài xế giao hàng, nhân viên kho, nhân viên đi làm ở từ 2 tỉnh lân cận nhau trở lên...); chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa; hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai việc cung ứng, lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và 3 miền gặp nhiều khó khăn. "Khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố từ 0h ngày mai (19/7) nếu không có biện pháp quyết liệt thì rất gay go", Bộ trưởng đánh giá.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương báo cáo, làm rõ khâu vận chuyển có khó khăn gì, phân phối có khó khăn gì để tháo gỡ vướng mắc một cách khoa học, cụ thể nhất. 

Cập nhật từ phía các đầu cầu tại các địa phương, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long và bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình cả hai tỉnh từ sau khi thực hiện Chỉ thị 16 tương đối giống nhau. Đó là bà con lo ngại dịch bệnh nên việc buôn bán những mặt hàng thiết yếu giảm đi, hàng hóa bị khan hiếm cục bộ.

"Rất may mắn, tại Vĩnh Long, hiện nay thu hoạch và tiêu thụ mặt hàng nông sản ổn định, việc thực hiện "luồng xanh" thuận lợi. Còn tại Bến Tre, tình hình gặp khó do một số doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, thuốc tây đóng cửa. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của tỉnh sẽ sớm có phương án xử lý", Sở Công Thương Vĩnh Long cho biết.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, khi thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh gặp 2 khó khăn: Lượng mua của người dân quá lớn, dẫn đến không kịp cung ứng; một số mặt hàng tỉnh không sản xuất được, phải vận chuyển từ tỉnh khác. Việc lưu thông, vận chuyển khó khăn dẫn đến giá cả bị đẩy lên cao.

Tại Cần Thơ, Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ cho biết: Hiện nay nông sản ở Cần Thơ đang bước vào mùa thu hoạch lúa, rau màu và thủy sản. Tuy nhiên, do đang thực hiện Chỉ thị 16, các mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm và đặc biệt còn bị giới hạn nông sản cung cấp cho thị trường TPHCM.

"Dự báo khi các tỉnh lân cận thực hiện theo Chỉ thị 16, tình hình vận chuyển, giao thương gia súc, gia cầm sống và qua giết mổ vào TPHCM sẽ gặp khó khăn nên nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của thành phố có thể bị ảnh hưởng", ông Nhơn cho hay.

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang khẳng định, Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.

Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Kiên Giang có hơn 1,7 triệu dân, ước lượng hàng thiết yếu cần dùng trong 1 ngày vảo khoảng 5.780 tấn, trị giá tương ứng 121 tỷ đồng. Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang hiện đã phân cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn dự trữ và cung ứng hàng, đảm bảo không bị khan hiếm, tăng giá đột biến.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM kiến nghị: "Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như Tiền Giang bầu đã lên 35.000đ/giá. TPHCM đang thiếu khoảng 3 triệu quả trứng/ngày. Kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa".

Sở Công Thương TPHCM cũng đề nghị Bộ NNPTNT cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý. Đồng thời, đề nghị lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc khẩn trương hơn, xử lý các đối tượng mua hàng ở trong siêu thị đem ra ngoài bán.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, diễn biến dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam hiện đang rất phức tạp và nghiêm trọng. Cùng với việc truy vết, khoanh vùng và dập dịch thì việc cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống cho nhân dân là "nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng chúng ta phải làm và phải làm thật tốt". Bởi lẽ, thiếu hàng hóa thiết yếu thì người dân có thể không đủ sức chống dịch, nhất là lương thực, thực phẩm.

"Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trong trạng thái giãn cách theo Chỉ thị 16 và số lượng người bị phong tỏa, cách ly hiện nay là rất lớn, chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, cuộc họp ngày hôm nay của 2 Bộ: Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho nhân dân", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Từ những nhận định trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan 3 quan điểm chỉ đạo: 

Thứ nhất, trong mọi tình huống, hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân các địa phương đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống và thuốc men.

Thứ hai, bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các địa phương 19 tỉnh thành phố. Tổ công tác tiền phương của hai Bộ cùng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam phối hợp chặt chẽ để các lực lượng làm việc trực tiếp tại địa bàn tuân thủ sự chỉ đạo, khuyến cáo của hai Bộ.

Thứ ba, hai ngành, ba lực lượng ở địa phương cần đoàn kết thực hiện nhiệm vụ chung đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự điều phối của Tổ công tác tiền phương hai Bộ.

Lãnh đạo hai Bộ, Công Thương, Nông nghiệp thống nhất 6 nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, các địa phương khẩn trương đánh giá tình hình thực tế; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu để đưa ra các kịch bản cân đối cung-cầu tại chỗ, kịp thời thông báo cho các Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ Công Thương – NNPTNT, để đưa ra giải pháp giải quyết ngay khi phát sinh vấn đề. Các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.

Thứ hai, chủ động kết nối cung-cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

“Bằng mọi giải pháp, hai Bộ Công Thương - NNPTNT cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, các giữa vùng với cả nước. Điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời. 

Thứ tư, đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.

Thứ năm, lực lượng Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong hôm nay (18/7), Tổng cục Quản lý thị trường phải tăng cường lực lượng cho miền Nam thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong đại dịch. Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…

Thứ sáu, các địa phương và Tổ công tác tiền phương thuộc hai Bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, thời xuyên, trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai Bộ đảm bảo chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày.

 

Đại diện các Sở Công Thương, Sở NNPTNT tại 19 đầu cầu các địa phương. Ảnh: VGP

Mở lại chợ truyền thống, đảm bảo chống dịch

Trong khuôn khổ cuộc họp, các địa phương đề xuất mở lại chợ truyền thống trong điều kiện phòng dịch chặt chẽ, thực hiện 5K và tiêm vaccine cho tiểu thương. Các địa phương cho biết đều sẵn sàng phối hợp với TPHCM để cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, các địa phương đều cam kết làm hết sức để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho TPHCM.

Với đề xuất mở lại chợ truyền thống đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo, các địa phương phải kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 và các tiểu thương phải được tiêm vaccine.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện nay trên toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Các chợ đã khôi phục hoạt động sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch có chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ.

Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cử hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố sẽ cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Đơn cử như chợ Phú Thọ với 6 tiểu thương kinh doanh, chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

Các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ trong tuần sau, sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt. Cụ thể tại quận Bình Tân là chợ Kiến Thành; quận 5 có chợ Xã Tây; quận 6 có 2 chợ gồm chợ Phú Định và chợ Minh Phụng; quận 8 có 2 chợ là chợ Phú Lợi 1 và chợ Phú Định; quận 10 có chợ Nhật Tảo; huyện Bình Chánh có chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A; huyện Hóc Môn là chợ Hóc Môn; huyện Nhà Bè dự kiến 2 chợ.

Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại các chợ trên địa bàn như: Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh...

Hiện ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến các tiểu thương thực hiện duy trì việc cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại. Theo đó tiểu thương đăng ký với ban quản lý thông tin tham gia bán hàng để ban quản lý thiết lập poster quảng bá ngay tại cổng chính chợ, treo thông tin xung quanh chợ, nơi người dân dễ nhận thấy nhất. Hiện nay nhiều tiểu thương đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên zalo, facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu.

Phan Trang

145 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 889
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 889
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87118165