|
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) nêu quan điểm về vấn đề tháo gỡ thẻ vàng của EC. (Ảnh: BT) |
Những chuyển biến tích cực
Từ ngày 5 - 14/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Ngày 19/12/2019, Uỷ ban châu Âu có công thư MARE B4/SPM Ares (2019) thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Trong đó, Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và cảm ơn sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC. Đặc biệt ghi nhận nỗ lực của của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đã tạo nên cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với quốc tế bao gồm: sửa Luật Thủy sản, ban hành 2 nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành luật; gia nhập và có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hiệp quốc.
Đoàn thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng, điều này được thể hiện ở việc bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế.
Cùng với đó, đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước. Thực tế, qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều tiến bộ, quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS), đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển.
Việt Nam đã nỗ lực trong công tác quản lý cường lực khai thác và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.
Dù vậy, về phía EC cũng khẳng định quan điểm, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.
Kiên quyết giải quyết vấn đề tàu cá khai thác bất hợp pháp
Về vấn đề tháo gỡ thẻ vàng của EC, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, về phía EC đề nghị, nếu còn tàu vi phạm thì sẽ không rút thẻ vàng. Đồng thời về vấn đề truy xuất nguồn gốc, không chỉ từ cảng cá đến nhà máy mà còn từ đánh bắt, nhập khẩu về và vào đến kho của nhà máy chế biến. Vấn đề nữa là thực thi pháp luật thời gian còn ngắn, việc xử phạt phải đồng bộ giữa các tỉnh, giữa các địa phương, không thể mỗi một tỉnh áp dụng một hình thức khác nhau trong cùng một hành vi.
Để giải quyết vấn đề về tháo gỡ thẻ vàng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, thông qua đó để ngư dân, chủ tàu, chủ phương tiện, các đơn vị tham gia vào chế biến, khai thác hiểu về quy định pháp luật của Nhà nước cần được tôn trọng thực thi.
“Nếu chúng ta làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tin rằng chúng ta có việc chấp hành pháp luật ở các nơi, sẽ sớm tháo gỡ được thẻ vàng” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Thông tin cụ thể hơn về việc tháo gỡ thẻ vàng của EC, bà Nguyễn Thị Trang Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, vấn đề then chốt cho cuộc làm việc với EC tháng 6/2020 sắp tới đó là đưa ra các giải pháp cụ thể giải quyết từng vấn đề còn vướng mắc. Trong đó, đối với các tàu cá vi phạm trong khai thác, tàu nào nằm trong danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp sẽ phải áp dụng ngay điều 20 của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để tạo ra tính răn đe trong cộng đồng. Đồng thời, sẽ có danh sách các tàu nào cần nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt, nghĩa là kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thanh kiểm tra trên biển.
“Ví dụ nếu 1 chủ tàu có 7 tàu, trong đó có 1 tàu vi phạm trái phép ở vùng biển nước ngoài thì các tàu còn lại phải nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt, hoặc những tàu khi kiểm tra không đầy đủ quy trình khai báo, có hiện tượng tắt thiết bị giám sát hành trình không giải thích lý do thì đấy là các nội dung mà chúng tôi sẽ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt” – bà Nhung nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổng cục Thủy sản đề xuất Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát tàu cá ra bến, cập bến theo đúng quy định. Đặc biệt, làm việc với lực lượng Công an để kiên quyết xử lý dứt điểm việc tàu cá đi khai thác tại vùng biển nước ngoài.
Bà Nhung cũng khẳng định, Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ quy định của Ủy bản châu Âu trong truy xuất nguồn gốc theo Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng. Hiệp định này đã được tích hợp trong Luật Thủy sản và tại Điều 70, Nghị định 26 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Sắp tới, Việt Nam sẽ triển khai theo nghị định này trong việc truy xuất nguồn gốc. Thứ nữa, Việt Nam sẽ triển khai kiểm soát tàu cá tại cảng tới toàn bộ các cảng chỉ định. Việt Nam có 60 cảng chỉ định đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang châu Âu. Vừa qua, Kiên Giang được được đánh giá thực hiện tốt điều này, vì vậy, sắp tới Tổng cục sẽ có đánh giá, so sánh nhằm triển khai nhân rộng mô hình tại Kiên Giang.
Một vấn đề quan trọng nữa là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo bà Nhung, Tổng cục Thủy sản sẽ cân nhắc đến các vấn đề lộ trình thực hiện thế nào, quản lý vận hành xử lý thế nào để chống khai thác IUU.
Với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, hy vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc để giải quyết được bài toán về tháo gỡ thẻ vàng của EC./.