Liên quan tới hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn trong tháng 4 và những bất cập trong việc mở tờ khai hải quan đăng ký xuất khẩu, ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình khai báo hải quan của các doanh nghiệp hội viên và thương nhân xuất khẩu gạo.
Trong báo cáo, VFA kiến nghị được thông quan hết lượng hàng tồn trên cảng với không quá 300.000 tấn.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: KT. |
Qua báo cáo của 41/92 hội viên VFA, số lượng gạo mở tờ khai trong ngày 12/4 đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ, đang chờ thông quan là 58.209 tấn. Số lượng gạo đã nhận được tờ khai, được phân luồng đỏ nhưng không được ghi nhận (mở tờ khai trong ngàv 11/4 và 13/4) là 14.268 tấn. Số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, tuy nhiên chưa được phân luồng là 18.193 tấn. Số lượng gạo các loại chưa mở được tờ khai, đang chờ xuất tại cảng và hàng đóng tại kho là 55.782 tấn.
Trong văn bản phản ánh đến VFA, nhiều doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo đã nêu những điểm bất cập và có phần khó hiểu liên quan tới việc đăng ký tờ khai hải quan vào ngày 12/4 vừa qua. Theo đó, ngoài việc nhiều doanh nghiệp không nhận được thông tin chính thức nào từ phía cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở hệ thống đăng ký tờ khai thì vấn đề cập nhật thông tin tờ khai trên hệ thống hải quan cũng có vấn đề.
Cụ thể, các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0 giờ ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ; tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tái kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật thì ngày đăng ký của các tờ khai này tự động bị lùi về thời điểm 10/4. Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ trong khi chưa hết 15 ngày theo quy định.
Bên cạnh đó các thương nhân cũng cho rằng, việc phân bổ hạn ngạch thông qua hình thức đăng ký hải quan trừ lùi như hiện nay chưa gắn liền với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân của một số thương nhân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch thực tế.
Liên quan tới việc hệ thống đăng ký tờ khai hải quan mở vào lúc rạng sáng ngày 12/4, các doanh nghiệp phản ánh tình trạng không ít thương nhân chưa tập kết hàng ở cảng thời điểm đó hoặc tập kết chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp đã tập kết hàng hóa sẵn sàng, đảm bảo đầy đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, kể cả những lô hàng đã đóng container trước ngày 24/3, tính đến nay đã hơn 20 ngày lưu container, lưu kho bãi nhưng vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan.
Theo các doanh nghiệp, việc xuất khẩu bị đình trệ nhưng các chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tiền lương... vẫn phát sinh và thậm chí mỗi một ngày trôi qua chất lượng gạo hàng hóa bị ảnh hưởng. Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự sống còn của các thương nhân, thậm chí ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đối với những lô hàng giá trị lớn đã sẵn sàng tại các cảng, doanh nghiệp không giao hàng kịp thời sẽ phải bồi thường hợp đồng cho khách hàng nước ngoài.
Đối với lượng hàng tồn kho cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, hằng ngày các thương nhân phải chịu lãi suất vay ngân hàng rất lớn. Hơn nữa, chi phí bao bì đã in để xuất cho các hợp đồng đã ký sẽ không sử dụng được nếu không được xuất, vì bao bì được in theo nhãn hiệu của khách hàng, không thể sử dụng cho mục đích khác.
Riêng tổng các khoản nợ của các thương nhân cần phải đáo hạn trong thời gian tới rất lớn. Bên cạnh đó, mỗi tháng các thương nhân phải chi trả lãi suất rất cao cho lượng tồn kho đã mua vào.
"Nếu không thông quan và xuất khẩu được trong tháng 4 và tháng 5, một số thương nhân sẽ không có nguồn tiền thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn, thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng đến uy tín tín dụng và sự sống còn của thương nhân. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng kéo theo là điều không tránh khỏi, nhất là khi ngành gạo là một trong những ngành hàng lớn và chủ lực, đem về nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia", báo cáo của VFA nêu .
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ghi nhận các phản ánh về trường hợp hàng đi bằng tàu rời, do bên khách hàng điều tàu và tàu đã vào phao chỉ định từ những ngày đầu tháng 4/2020 và một số tàu sẽ cập phao giữa tháng 4/2020. Thêm vào đó, đã xuất hiện dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh trong giao dịch thương mại như khó khăn trong thuê bãi container, thuê tàu vì đây là một trong các điều kiện để thông quan và đặc biệt là một số thương nhân chào bán giá thấp để lấy hợp đồng đăng ký hạn ngạch.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Lương thực kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai tiếp những đơn hàng dang dở và cho thông quan hết lượng hàng tồn trên cảng (số lượng không quá 300.000 tấn). Hiệp hội Lương thực đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét phân luồng xanh và vàng cho các lô hàng gạo đã có sẵn tại cảng để thông quan nhanh chóng vì thuế xuất khẩu gạo là 0%. Đối với những tờ khai có dấu hiệu giữ chỗ (chưa có hàng tại cảng, chưa có thông tin tên tàu, tàu chưa cập phao…vẫn phải phân luồng đỏ và kiểm hóa chặt chẽ.
Hiệp hội cũng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra các tờ khai chặt chẽ để phát hiện các trường hợp doanh nghiệp khai khống (về số lượng, số container, số seal, không có hàng hóa khi kiểm hóa) nhằm giữ hạn ngạch và áp dụng chế tài xử lý như hủy toàn bộ tờ khai của doanh nghiệp đó. Đối với bất kỳ lượng hạn ngạch nào bị hủy, cần ưu tiên chuyển đến các lô hàng đã sẵn sàng ngoài cảng nhưng doanh nghiệp đăng ký tờ khai chưa thành công để đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp, thương nhân tham gia xuất khẩu gạo/.