Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặt hàng túi nylon là mặt hàng không thiết yếu và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cần hạn chế ở mức thấp nhất việc nhập khẩu và sản xuất đối với mặt hàng này. Vì vậy, cần xem xét tăng mức thuế đối với mặt hàng này cao hơn mức áp dụng hiện nay (50.000 đồng/kg).

Cùng với đó, Cục Hải quan TP kiến nghị, Luật thuế BVMT được ban hành từ năm 2010, đến nay đã qua 9 năm thực hiện, cần tổng kết đánh giá quá trình thực hiện, chỉ rõ các hạn chế, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đề nghị đánh thuế BVMT thật cao hoặc quy định nhập khẩu có điều kiện để cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, cấp phép.

Kiến nghị bổ sung việc đánh thuế đối với các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Chi Mai)

Trong khi đó, Cục Thuế TP phân tích, Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định mức thuế cụ thể, hiện hành đối với túi nylon là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200% giá bán hiện hành, nghĩa là thuế bảo vệ môi trường chỉ thu khoảng 200 - 400 đồng/túi. Nếu tăng mức thuế BVMT đối với túi ni lông lên mức trên 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương 250-500 đồng/túi.

Theo Cục Thuế TP, khung và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, để phù hợp với thông lệ quốc tế, kiến nghị cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông nhằm giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Hai đơn vị này kiến nghị, có thể tăng lên 50.000 đồng/kg hoặc hơn. Ngoài ra, để giảm dần việc sử dụng nhựa khó phân hủy trong tiêu dùng, gây tác động xấu đến môi trường, bổ sung các sản phẩm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, màng ni lông, tấm ni lông, dải ni lông, cuộn ni lông dạng ống được làm từ màng nhựa polyetylen vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì ni lông./.

Chi Mai