Kiến nghị lộ trình và mấu chốt y tế để nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới” 

(ĐCSVN) – Cần khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái “bình thường mới” và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý 6 kiến nghị gỡ khó cùng 7 mấu chốt y tế để thực sự thích nghi linh hoạt, an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay.

 

Đó cũng là những thông tin chính được đề cập tới trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sáng 26/9.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nhật Bắc)

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Việc này góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề được các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

6 kiến nghị nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu 6 kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.

Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.

Thứ năm, các địa phương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời người lao động và các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng.

Tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ sáu, về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay và dự báo còn có thể kéo dài hơn nữa, đã cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ (ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…).

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

 Phủ sóng diện rộng vắc-xin và bổ sung quy định cho phép hoạt động tập trung đông người với người tiêm đủ hai mũi , xét nghiệm  âm tính... (Ảnh: HNV)

Mấu chốt kiến nghị về y tế để trở lại “bình thường mới”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những kiến nghị của DN và Hiệp hội DN được Bộ tổng hợp về các biện pháp y tế và hệ quả nhằm bảo đảm khôi phục sản xuất, kinh doanh gồm:

Một là, cho phép người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

Hai là, tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo của mình.

Ba là, Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, vận chuyển, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền.

Bốn là, hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm là, xem xét, đánh giá và có quy định lại về quy trình “3 tại chỗ” do chi phí tốn kém, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Sáu là, xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài KCN xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch, tăng cường trang thiết bị và năng lực cho cán bộ y tế cơ sở.

Bẩy là, hướng dẫn và trao quyền chủ động cho địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như công tác phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp; không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.

 
Lê Anh
388 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1105
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1105
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177297