Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn trả lời báo chí chiều 6/3. (Ảnh: TA)
Theo Phó Giám đốc Ngô Mạnh Tuấn, năm 2018, Sở sẽ phối hợp, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách, trong đó hoàn thành đường vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long, đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, cầu vượt qua nút giao An Dương – Thanh Niên…
Sở cũng sẽ tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông, điều hành giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút. Cùng với đó, tiếp tục triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh (IPARKING) trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó coi loại hình vận tải xe hợp đồng dưới 9 chỗ áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành vận tải (UBER, GRAB…) là một dạng taxi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dừng triển khai tuyến BRT Kim Mã – Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, hiện nay Thành phố đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 từ Văn Cao – Hòa Lạc, trong năm nay sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua để triển khai sớm nhất. Do vậy việc triển khai thêm tuyến BRT sẽ trùng lặp.
Trả lời câu hỏi của một số nhà báo về đề xuất của Hà Nội cho phép các phương tiện khác được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT trong một số khung giờ, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết: Vừa rồi một số báo thông tin Hà Nội cho phép tuyến BRT cho tuyến xe khác đi chung, đó chỉ là quan điểm của một đơn vị thảo luận đưa ra tại một buổi làm việc. “Tuy nhiên, quan điểm của thành phố, làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT là tuyến đi riêng, không tuyến buýt nào đi chung vào đấy cả”, ông Tuấn khẳng định.
Trước đó, trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra đề xuất: Trong một số khung giờ cho các phương tiện khác được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT.
Cụ thể, trung tâm đề xuất Thành phố Hà Nội cho phép các tuyến buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng của tuyến buýt nhanh BRT01 (bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) từ 4g đến 23g hàng ngày. Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23g đến 4g ngày hôm sau. Trung tâm cũng đề xuất xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m…./.
Trung Anh