Kiến nghị cấp lương, phụ cấp theo lương cho giáo viên 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ban hành văn bản số 221/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang về thực hiện cấp lương, phụ cấp theo lương cho giáo viên; xem xét, hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội

 

Kiến nghị thực hiện cấp lương, phụ cấp theo lương cho giáo viên; hướng dẫn nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm - Ảnh 1.

Đề nghị thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên

Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 7963/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2022.

Nội dung kiến nghị như sau: Thứ nhất, đề nghị thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên theo định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT quy định, không cấp theo số giáo viên được giao trong chỉ tiêu biên chế.

Do hiện nay nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đều thiếu giáo viên theo định mức quy định nhưng lại không có kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.

Thứ hai, đề nghị xem xét, hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu) để thuận lợi trong tham mưu, thực hiện.

Lý do: Hiện nay, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” đã quy định kinh phí hỗ trợ đóng học phí học tập đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) đều do ngân sách Nhà nước chi trả và được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm (quy định tại Điều 5 của Nghị định).

Tuy nhiên, Nghị định lại chưa quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu); chưa quy định cụ thể việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022; Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và các văn bản của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể việc lập dự toán kinh phí đối với nội dung này.

Nếu chưa tuyển đủ người theo quy định, được cấp kinh phí để hợp đồng, sắp xếp giáo viên dạy thêm giờ

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời cử tri tỉnh Tuyên Quang như sau: Để bảo đảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo tuyển dụng đủ số lượng giáo viên trong nhà trường theo định mức quy định.

Trong trường hợp chưa đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định được cấp kinh phí để hợp đồng giáo viên, sắp xếp để giáo viên dạy thêm giờ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang có ý kiến với UBND tỉnh Tuyên Quang tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của phương.

Kiến nghị thực hiện cấp lương, phụ cấp theo lương cho giáo viên; hướng dẫn nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm - Ảnh 2.

Sinh viên sư phạm

Bố trí kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm

Về hướng dẫn bố trí kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm, Bộ GDĐT cho biết, tại Điều 5 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) quy định cụ thể như sau:

Lập dự toán: Cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí chi trả chế độ cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (điểm b khoản 1 Điều 5). Định mức xây dựng dự toán theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116.

Bố trí dự toán: Đối với kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong chỉ tiêu Bộ GD&ĐT thông báo nhưng không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (điểm b khoản 2 Điều 5).

Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định 116 thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện (khoản 3 Điều 5).

Chi trả kinh phí: Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng (điểm c khoản 2 Điều 5).

Như vậy, tại Điều 5 Nghị định 116 đã quy định cụ thể việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm.

261 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 907
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 907
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87068261