|
Kiểm toán viên Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ chuyên môn |
Kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng
Năm 2019, KTNN thực hiện 212 cuộc kiểm toán. Đến ngày 31/12/2019, toàn Ngành đã hoàn thành và phát hành 100% Báo cáo kiểm toán (BCKT) theo kế hoạch kiểm toán năm 2019. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, gồm 09 Nghị định, 24 Thông tư, 09 Nghị quyết, 40 Quyết định và 72 Văn bản khác, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
“Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...” – Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN năm 2020 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định.
Năm 2019, KTNN đã cung cấp 82 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là việc ban hành Công văn số 670/KTNN-TH ngày 31/5/2019 về theo dõi, xử lý vướng mắc trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong đó yêu cầu các đơn vị tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN từ các năm trước đến nay để kịp thời giải quyết dứt điểm; tăng cường phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, đối chiếu tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018. Đến ngày 31/12/2019 các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỷ đồng/92.499 tỷ đồng, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; đã thực hiện theo kiến nghị của KTNN sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; tổng hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định.
Tổ chức 158 cuộc kiểm toán trong năm 2020
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, KTNN sẽ tổ chức thực hiện 158 cuộc kiểm toán. KTNN sẽ thực hiện 158 cuộc kiểm toán đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện phương pháp quản lý hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.
Theo đó, KTNN sẽ xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2020 khoa học và hiệu quả, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới các hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán; tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp về tuân thủ pháp luật để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành và sử dụng tài chính công, tài sản công; tập trung nhân lực và thời gian phù hợp phân tích, đánh giá các sai phạm, hạn chế, bất cập của chủ trương hoặc lỗ hổng cơ chế, chính sách; đi sâu phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tập trung đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ.
KTNN chú trọng tăng cường cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động. KTNN tập trung nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của từng cấp quản lý thông qua việc bám sát tình hình kiểm toán thực tế, duy trì tốt chế độ báo cáo tiến độ và kết quả kiểm toán; đổi mới phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán; chú trọng cập nhật, đánh giá thông tin đến thời điểm kiểm toán nhằm nâng cao tính thời sự, khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán...
Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước, năm 2020, KTNN tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trọng tâm là ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, xây dựng và ban hành quy định mới theo Luật KTNN sửa đổi, bổ sung, như: Quy định về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động KTNN; Quy định về xác minh đối chiếu; Quy định về khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán...
KTNN tiếp tục hoàn thiện và trình UBTVQH phê duyệt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 theo Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2020 của UBTVQH. Củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định của Luật KTNN, gắn với kế hoạch tinh giản biên chế của KTNN giai đoạn 2015-2021 theo hướng dẫn của Trung ương... Cùng với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan đến văn hóa công sở, đạo đức công vụ…; xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, nhất là tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng “tham nhũng vặt”, sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán.
Năm 2020 cũng là năm KTNN đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoàn thành nhiệm vụ với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 thông qua việc hoàn thành tốt Chương trình khung thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI đã được ban hành; lãnh đạo hoạt động tổ chức ASOSAI hoàn thành xuất sắc Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021 và tham gia tích cực trong vai trò là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2018-2024; củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác với một số SAI chiến lược, có thế mạnh trên một số lĩnh vực KTNN Việt Nam đang cần phát triển để đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác với USAID, KOICA, CAAF, EU, SECO nhằm tiếp thu hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ của các SAI trên thế giới và các dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam.
Tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và HĐND các cấp; phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.