Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính 

(ĐCSVN) – Trong suốt tiến trình phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN ) luôn nỗ lực hết mình, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia...

 

Ban điều hành hội thảo (Ảnh: HH)

Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (KTNN), sáng 6/6, tại Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: Trong suốt tiến trình phát triển, KTNN luôn nỗ lực hết mình, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động.

Về địa vị pháp lý, thời kỳ đầu thành lập, KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 70/CP và Quyết định số 61/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện kiểm toán theo chương trình, kế hoạch kiểm toán do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, KTNN là một thể chế được hiến định. Hiến pháp khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Tổ chức và hoạt động của KTNN đã được quy định cụ thể trong Luật KTNN; hoạt động chuyên môn nghiệp vụ được triển khai theo khuôn khổ nghề nghiệp đồng bộ và toàn diện gồm Hệ thống 39 chuẩn mực KTNN, các quy trình kiểm toán theo từng lĩnh vực và nhiều văn bản quy chế, quy định khác của KTNN.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, đến nay, KTNN đã có 32 đơn vị cấp vụ gồm 8 đơn vị khối tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 3 đơn vị sự nghiệp với tổng số nhân sự khoảng 2.067 người, trong đó đội ngũ kiểm toán viên là 1.606 người, chiếm gần 80%. Cơ cấu đội ngũ công chức được hoàn thiện theo các lĩnh vực nghề nghiệp và ngạch bậc, chất lượng đội ngũ không ngừng tăng lên cả về trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Chức năng, nhiệm vụ của KTNN cũng được mở rộng về phạm vi, đối tượng. Hiến pháp quy định KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán nhiều hơn so thời kỳ đầu mới thành lập là kiểm toán các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tính độc lập đã được ghi nhận trong Hiến pháp, KTNN đã tích cực nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán một cách toàn diện. Số lượng các cuộc kiểm toán đã được tăng lên qua từng năm, hoạt động kiểm toán của KTNN ngày một chuẩn mực hóa và chuyên nghiệp. Hiệu quả, hiệu lực kiểm toán cũng từng bước được tăng cường, chất lượng kiểm toán ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. KTNN ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình là công cụ của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế- xã hội; các đơn vị được kiểm toán sử dụng để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý.

“Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 414.145 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành” – Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.

Ngoài ra, KTNN cũng không ngừng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu uy tín và sự phát triển lớn mạnh của KTNN Việt Nam trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, khi KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được Đại hội bầu giữ cương vị Chủ tịch ASOSAI.

Khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của KTNN trong 25 năm qua là toàn diện, quan trọng và rất căn bản song Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng chỉ ra những bất cập và hạn chế trong tổ chức và hoạt động KTNN.

Cụ thể là, khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, kiểm toán viên luôn là một thách thức lớn.

Tại khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi làm sáng tỏ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua của KTNN và những vấn đề đặt ra đối với KTNN hiện nay./.

Tú Giang

377 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 979
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 979
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76847171