|
Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN phát biểu. Ảnh:VGP. |
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong quá trình này, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vật chất kỹ thuật cho đất nước, kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm...
Đầu tư công có vai trò trong việc điều tiết các chỉ số kinh tế vĩ mô như bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội. Ở Việt Nam, đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế.
Do đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nên bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19. Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo song tỷ lệ giải ngân cho đến nay vẫn thấp so với yêu cầu.
“Điều này, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công”, Phó Tổng KTNN nhấn mạnh.
Theo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân 7 tháng là 173.040 tỷ đồng đạt 40,98% và ước đến 31/8 là 22.774,1 tỷ đồng đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Ngoài ra, đến ngày 20/8/2020 còn khoảng 18.902 tỷ đồng (bằng 3,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao) chưa được Bộ, ngành, địa phương phân bổ, trong đó bộ, ngành là 8.130 tỷ đồng và địa phương là 10.772 tỷ đồng.
Tại Hội thảo một số địa phương và đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đánh giá về thực trang giải ngân vốn đầu tư công dưới góc nhìn của KTNN….
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, tính đến ngày 31/8, tỷ lệ giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của tỉnh Nghệ An đạt 97,63%; vốn ngân sách địa phương quản lý đạt 7.887 tỷ đồng, đạt 63,82%; trong đó, giải ngân nguồn đầu tư tập trung đạt 4.492 tỷ đồng, đạt 66,45%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Nghệ An là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% và là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chia sẻ, để nâng cao kết quả giải ngân, tỉnh đã thực hiện giao vốn kịp thời ngay khi có quyết định giao vốn của Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Mặt khác, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh đã chủ động xây dựng và giao kế hoạch phù hợp với tiến độ thực tế của các chương trình, dự án; chỉ đạo các cấp, các ngành thực sự vào cuộc, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đầu năm, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết, tính đến ngày 31/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 66,4% kế hoạch vốn được giao, xếp thứ 11/63 tỉnh thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân.
Để đạt được kết quả này, tỉnh xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng; phân công Lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, chỉ đạo tiến độ thực hiện; nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật.
Đồng thời, tỉnh này cũng giao chỉ tiêu về giải phóng mặt bằng cụ thể đối với từng huyện, thị xã, thành phố, làm cơ sở kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện, để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, rút ngắn từ 30%-50% thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục của của các khâu triển khai…
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP. |
Về thực trạng giải ngân hiện nay, lãnh đạo KTNN cho rằng, với các tỉnh, đơn vị triển khai chậm trễ ngoài nguyên nhân khách quan đại dịch thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm... Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, Chính phủ đã yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, của từng bộ, ngành, cơ quan nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Lãnh đạo KTNN cho hay, thực tế, qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng; đồng thời đưa ra rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án; kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Trong đó, quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng. Mặc dù KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán các dự án đầu tư ngay từ khi khởi công đến hoàn thành công trình nhưng chỉ chiếm số lượng nhỏ trong các dự án, chương trình được kiểm toán hàng năm, còn lại vẫn là kiểm toán sau.
Bên cạnh đó, công tác kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án. Việc sử dụng chuyên gia và trưng cầu giám định những hạng mục chính trong quá trình kiểm toán còn hạn chế. Công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án chưa được tốt...
“Cần có các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành các dự án đầu tư công, việc giải ngân để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân”, ông Đoàn Xuân Tiên nói.
Anh Minh