Kiểm soát quyền lực tốt hơn để chống tham nhũng 

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/4, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.


Tại Hội thảo, Phó Tổng KTNN Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh, với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. 

Tuy nhiên trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo. 

Ngoài những nguyên nhân trên, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế còn do quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.   

Các đại biểu đã bày tỏ quan điểm kiểm soát được quyền lực là vấn đề không đơn giản, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước khó đạt hiệu quả. 

Do đó, yêu cầu bức thiết là phải có biện pháp thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát. Tích cực đổi mới công tác này theo hướng: Tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra, kiểm toán tập trung vào lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; giám sát đột xuất, thường xuyên...

Về phía ngành kiểm toán, lãnh đạo KTNN cho biết, KTNN vừa ban hành Kế hoạch hành động về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) năm 2019. 

Theo đó, ngành đã đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí  cụ thể hóa ở 5 lĩnh vực, gồm: quản lý và sử dụng NSNN trong chi thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng tài sản công; công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; áp dụng đối với từng cá nhân, cán bộ, công chức; cải cách thủ tục hành chính. 

Thực hiện các mục tiêu và nội dung trên, toàn ngành cần đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về THTK, CLP của Đảng, Nhà nước và KTNN; xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy định của KTNN liên quan đến vấn đề này; thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ và xử lý vi phạm; công khai tài chính, hoạt động mua sắm, trang bị tài sản và đầu tư xây dựng.  

Đặc biệt, để góp phần THTK, CLP, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị trực thuộc, các cán bộ, công chức, người lao động KTNN cần thực hiện nghiêm các giải pháp sau: Chỉ đạo và điều hành cuộc kiểm toán theo đúng mục tiêu kiểm toán đã được phê duyệt, trong đó đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Quốc hội về THTK, CLP tại các đơn vị kiểm toán; kiểm tra việc sử dụng ngân sách tại các đơn vị theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, dự toán;… 

Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các DN, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; kiểm toán các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.  Tích cực và chú trọng phát hiện những hành vi, biểu hiện tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước để góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật THTK, CLP. 

Kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.  Tăng cường kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về sửa đổi cơ chế, chính sách tạo điều kiện thực hiện tốt công tác THTK, CLP trong lĩnh vực được kiểm toán. Tổ chức công khai kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần THTK, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
 

Huy Thắng
297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 866
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 866
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87014391