|
Làm sạch sản phẩm thịt lợn lần cuối để đưa vào chế biến (Nguồn: TTXVN) |
Đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ động vật
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công tác kiểm soát giết mổ động vật trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, các cơ quan quản lý thú y ở Trung ương và địa phương đã và đang thực hiện kiểm soát giết mổ đối với số lượng gia súc, gia cầm rất lớn, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 gồm 6.535.490 con trâu, bò; 37.488.507 con lợn và 227.993.360 con gia cầm.
Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam, công tác kiểm soát giết mổ động vật được duy trì tốt. Cụ thể, trên 40% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và gần 98% số cơ sở giết mổ tập trung được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ.
Đáng chú ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm hiện đại như: Masan, CP, Mavin, De Heus, Dabaco,… Những doanh nghiệp này là doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong sản xuất theo chuỗi khép kín (từ khâu con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối). Vì vậy, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu.
Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Thú y, hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ động vật tại nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Đó là chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung, dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương. Số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế.
Hầu hết các địa phương khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung hoặc đã có cơ sở giết mổ tập trung nhưng vẫn để tồn tại song song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dẫn đến cơ sở giết mổ tập trung khó cạnh tranh và hoạt động không hết công suất.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, nâng cao ý thức vệ sinh thú y trong giết mổ động vật và an toàn thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chỉ tập trung vào một số thời điểm cụ thể trong năm như những ngày lễ, Tết, tháng hành động an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, việc hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương đang có nhiều xáo trộn do việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này đang gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Thứ nữa, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều (một số địa phương có trên 1.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ); hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, giết mổ lưu động tại hộ chăn nuôi, thời gian giết mổ cùng một khung giờ nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Tại nhiều địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cơ sở giết mổ hiện nay xuống cấp, thiếu hoặc không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung chưa hoàn thiện, chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ. Việc triển khai xây mới các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương
Để tháo gỡ các khó khăn trong kiểm soát giết mổ động vật, các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát, phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó mỗi huyện phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (các tiêu chí đánh giá, xếp loại...); các biểu mẫu hướng dẫn cụ thể về kiểm tra đối với các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y và tiếp tục đưa cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y.
Chính phủ, Bộ NN&PTNT sử dụng các nguồn vốn của các chương trình dự án mục tiêu quốc gia và nguồn vốn khác để hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động giết mổ, sơ chế tập trung sản phẩm có nguồn gốc động vật. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thịt lợn, gà xây dựng các nhà máy giết mổ thịt mát, thịt cấp đông; hình thành các chuỗi sản xuất thực phẩm nguồn gốc động vật từ trang trại đến bàn ăn phục vụ tiêu dùng trong nước và để xuất khẩu.
Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị Cục Thú y tổng hợp và phổ biến các mô hình quản lý giết mổ, xây dựng cơ sở giết mổ phù hợp cho các tỉnh miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hiệu quả. Thống nhất phương thức quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để áp dụng thực hiện trên toàn quốc mang tính khả khi và hiệu quả hơn so với phương thức quản lý hiện nay.
Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ động vật, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương; Bởi mức độ tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương có vai trò quyết định trong công tác chỉ đạo quản lý giết mổ động vật.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong trường hợp khó khăn trong việc kêu gọi xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung. Sau khi hình thành và đi vào hoạt động, chỉ đạo các ban, sở, ngành phối hợp với UBND các cấp chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Riêng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, do điều kiện địa lý, trước mắt triển khai thực hiện tại các thành phố, thị xã (là nơi tập trung dân cư) nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương./.