Ảnh minh họa: KV
Tại nơi làm việc luôn tồn tại rất nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe và tính mạng của người lao động như các vật văng bắn, các bộ phận truyền, chuyển động của máy, thiết bị, bị điện giật, bị bỏng, tiếng ồn, rung, hóa chất độc hại... Các yếu tố này có thể tác động gây bệnh cho người lao động hoặc gây ra thương tích, tử vong cho người lao động nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả. Trong khi đó, nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc sẽ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố, tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra.
Với ý nghĩa đó, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 được phát động với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, BNN”.
Theo kế hoạch tổ chức, Tháng hành động được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 01 – 31/5/2018. TP Hồ Chí Minh là địa phương trọng điểm được chọn để tổ chức Lễ phát động và các hoạt động mang tính quốc gia của Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018.
Tại Trung ương, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ mang tính quốc gia do Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 6/5/2018. Cùng với đó là các tổ chức hoạt động triển lãm tranh cổ động về ATVSLĐ tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh (1 tuần) và một số sự kiện, hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ như hội thi, hội thảo, khen thưởng, tập huấn về ATVSLĐ; tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thăm các doanh nghiệp điển hình về ATVSLĐ; thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN.
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp, bám sát chủ đề của Tháng hành động để hưởng ứng; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ của quốc gia; hướng dẫn các đơn vị, cơ sở theo phạm vi quản lý triển khai các hoạt động hưởng ứng.
Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kinh phí và ban hành kế hoạch hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, thực hiện ở các đơn vị, cơ sở trực thuộc; Chỉ đạo việc tổ chức, phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ trên địa bàn...
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh phải xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ để hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018 của đơn vị, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, bám sát vào chủ đề của Tháng hành động; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, bộ phận cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực để hưởng ứng Tháng hành động; Các cơ sở sản xuất kinh doanh, duy trì các hoạt động thường xuyên về ATVSLĐ theo quy định pháp luật, trong đó tập trung vào: rà soát, bổ sung các nội qui, qui trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.../.
Minh Thư