Kiểm soát các rủi ro về an toàn vệ sinh lao động 

(Chinhphu.vn) – “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” là chủ đề của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020, diễn ra từ ngày 1-31/5 trên phạm vi toàn quốc.

 

Tập trung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về ATVSLĐ, tại một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Tháng hành động ATVSLĐ nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp và nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ.

Theo Kế hoạch triển khai của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương, trong Tháng hành động sẽ có nhiều hoạt động thiết thực. Tại Trung ương, BCĐ Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ quốc gia tại thành phố Hà Nội, dự kiến vào ngày 5/5/2020, với sự tham gia của 300 - 400 người. Tại các Bộ, ngành, địa phương, tùy theo điều kiện của Bộ ngành, địa phương tổ chức Lễ phát động hưởng ứng hoặc các hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động như: xây dựng, phát sóng các thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động; phát các sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, video, gửi tin nhắn tuyên truyền về ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, người lao động; tuyên truyền trên hệ thống các đài truyền thanh quận, huyện, xã, phường và hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, các buổi tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, cho doanh nghiệp, trong khu vực làng nghề, phi kết cấu; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt, phòng ngừa tai nạn ngã cao, vật rơi…

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về ATVSLĐ, trong đó tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, xây dựng, điện...; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, công tác huấn luyện về ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ; khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thăm quan các mô hình, doanh nghiệp điển hình về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động hội thi, thực hành xử lý tình huống, giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN; tổ chức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ năm 2019…

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, trong thời gian vẫn còn dịch COVI-19, đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ, các tập đoàn, tổng công ty căn cứ vào đặc điểm và điều kiện của ngành, lĩnh vực, địa phương xem xét, chỉ đạo triển khai một số nội dung phối hợp theo 2 kịch bản.

Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và công bố hết dịch tại địa phương thì xem xét phối hợp tổ chức một số hoạt động như: Phối hợp tổ chức Lễ hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2020; Phối hợp hoặc phân công đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN, công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường phối hợp liên ngành trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng chống dịch COVID-19; phối kết hợp trong các hoạt động giám sát, tư vấn, đối thoại viêc chấp hành pháp luật về lao động, ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Còn trong trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì dừng việc tổ chức các Lễ mít tinh hưởng ứng, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người chuyển sang tổ chức các hoạt động hưởng ứng của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố thông qua phát động trên đài phát thanh và truyền hình của tỉnh, thành phố hoặc họp trực tuyến; tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, người lao động tại địa phương.

Thu Cúc

684 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1279
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1279
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85436702