Theo Napas, dự địa và tiềm năng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam còn rất lớn - Ảnh: VGP/HT
2022 là năm thứ 3 sự kiện Không dùng tiền mặt được tổ chức với sự phối hợp thực hiện của Sở Công Thương và các cơ quan truyền thông, đơn vị cung ứng dịch vụ hàng hóa, như các trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn TP. Hà Nội.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ thu được nhiều kết quả ấn tượng thông qua các chuỗi hoạt động để tuyên truyền, quảng bá về thanh toán không tiền mặt tại các điểm bán hàng (POS), thanh toán điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả như tờ rơi tuyên truyền, banner quảng cáo...
Trong vai trò đơn vị chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho hệ thống thanh toán quốc gia, NAPAS luôn nỗ lực kết nối và mang đến các phương thức thanh toán mới góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tại lễ kích hoạt sự kiện, đại diện công ty này đã trình bày tham luận về các chính sách và kỳ vọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Bài tham luận đã nêu ra dư địa và các tiềm năng sẵn có về chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để Việt Nam triển khai tốt các giải pháp thanh toán không tiền mặt; đồng thời, đưa ra các dịch vụ thanh toán hiện đại và tối ưu nhất cho người dân như: Thẻ chip NAPAS, thanh toán bằng mã VietQR, thanh toán di động (mobile payment), thanh toán bằng phụ kiện đeo tay (wearable)…
Theo ghi nhận từ hệ thống của Napas, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet; thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể.
Đại diện NAPAS chia sẻ: Cùng với xu hướng, thói quen tiêu dùng không tiền mặt của người dân và các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Napas đã triển khai, phát triển các dịch vụ tiến tới xã hội không dùng tiền mặt như phát triển hạ tầng thanh toán gồm hạ tầng chuyển mạch; hạ tầng bù trừ tự động; hạ tầng số hóa cùng với phát triển các sản phẩm dịch vụ về chuyển mạch ATM, POS, VietQR, số hóa thanh toán di động, cổng thanh toán điện tử, thanh toán hóa đơn trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Các sản phẩm, dịch vụ của NAPAS đã góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt trong đời sống của người dân cũng như trong hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. Đặc biệt, các giải pháp thanh toán như thẻ nội địa Napas, phương thức thanh toán bằng mã VietQR được đánh giá cao về độ phủ sóng, tính tiện lợi, linh hoạt, ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế.
Thông qua bài tham luận tại buổi lễ, NAPAS kỳ vọng sẽ góp phần tích cực cho hoạt động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng GRDP của TP. Hà Nội; từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt; góp phần bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Minh