Khuyến khích và tạo điều kiện cho các sản phẩm địa phương đăng ký nhãn hiệu 

Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm địa phương, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa là đặc sản, đặc trưng cho từng vùng miền đã được trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, có cơ hội tham gia cạnh tranh tại các thị trường lớn. Qua đó, các sản phẩm này dần được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng xác định việc xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm địa phương là một trong những việc làm quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 187 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận và 166 nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện còn có hơn 150 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Một số sản phẩm sau khi đăng ký nhãn hiệu thành công đã mở rộng quy mô sản xuất và dần có chỗ đứng trên thị trường như nón lá Trà Lộc; rau xà lách xoong Gio An; cam K4 Hải Phú; ném Vĩnh Linh; đậu xanh Vĩnh Giang; cà phê chè Khe Sanh; gạo Hải Lăng; cao dược liệu Định Sơn... Thành công bước đầu sau khi đăng ký nhãn hiệu là động lực để những người sản xuất mở rộng diện tích, quy mô sản xuất và là tiền đề để họ có điều kiện áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quy trình sản xuất, tiếp tục đem lại những sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng.

Qua đó thấy rằng, việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích. Đây là điều kiện cần để các sản phẩm này được tham gia vào các hội chợ, triển lãm, được trưng bày tại các siêu thị, cửa hàng lớn trên khắp cả nước. Xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm cũng là cách để phân biệt sản phẩm này với những sản phẩm khác đã có mặt trên thị trường. Đây cũng là cách dễ dàng nhất để người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ và là một phần để minh chứng cho chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cũng giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu ngày càng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Chính vì thế, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, các ban ngành có liên quan luôn khuyến khích, đồng thời tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân đang tham gia sản xuất được xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.

Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực hướng dẫn về mặt nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. Nhờ đó, các thủ tục đăng ký không xảy ra sai sót và được cục Sở hữu trí tuệ nhanh chóng tiếp nhận, xử lý và ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu tập thể như: Nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình; lấy ý kiến góp ý các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm và các chuyên gia, các nhà quản lý của địa phương về nội dung quy định…Nhờ có sự hỗ trợ đó mà nhiều sản phẩm, trong đó có các đặc sản của địa phương như cà phê chè Hướng Hóa; cao dược liệu Định Sơn... sớm được cấp nhãn hiệu.

Cao chè Vằng – một trong những đặc sản địa phương đã được xây dựng nhãn hiệu thành công

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm của địa phương còn gặp phải một số vấn đề. Trong đó có vấn đề liên quan đến nhận thức của chính những người sản xuất, kinh doanh. Họ chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình làm ra, hay có những suy nghĩ không đúng về công tác này nên đã không coi trọng, thậm chí là bỏ qua, không xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, quy trình, thủ tục xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chưa được người sản xuất nắm rõ, gây khó khăn, tốn nhiều thời gian thực hiện quy trình cho cả người đăng ký và các cơ quan chức năng... Những điểm còn hạn chế này đã khiến cho không ít sản phẩm của địa phương chưa xây dựng thành công nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chưa được chấp nhận hợp lệ.

Để khắc phục những điểm còn thiếu sót, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường công tác xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là đặc sản địa phương. Ông Nguyễn Bình, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết: “ Chúng tôi khuyến khích các sản phẩm tập thể, sản phẩm địa phương, đặc biệt là đặc sản truyền thống đăng ký để xây dựng nhãn hiệu của mình. Nếu như nhãn hiệu, hàng hóa đã có tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận thì chúng ta phải vừa quảng bá, vừa tuyên truyền, đồng thời cũng phải có quy mô, diện tích và được sản xuất theo quy trình ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ.”

Xây dựng nhãn hiệu giúp cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương có cơ hội tham gia cạnh tranh tại các thị trường lớn. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, du lịch... mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, các nhà kinh doanh và cả các cơ quan chức năng. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ có cơ hội biết đến những sản phẩm hàng hóa có chất lượng được sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương. Thảo Nhi

 

696 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 835
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 835
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77547880