Những năm qua, tuy chưa triển khai một chương trình riêng về phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị như Quảng Ninh, song, dựa trên kinh nghiệm triển khai mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản, mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan và bài học triển khai một cách có hệ thống OCOP của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa đã có những tiếp cận tích cực để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của địa phương.
Đến nay, Thanh Hóa đang tích hợp đưa vào chu trình OCOP 18 sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Song song với đó là tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống (trong đó đã công nhận 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống);...
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan trưng bày các sản phẩm OCOP (Ảnh VGP/Thành Chung) |
Tỉnh Quảng Trị có nhiều sản phẩm có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, dưa hấu Vĩnh Tú,… Theo số liệu điều tra, khảo sát, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc sáu nhóm. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 40 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển mới khoảng 15 sản phẩm; một đến hai làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Có ít nhất ba sản phẩm đạt năm sao cấp tỉnh; một sản phẩm đạt năm sao cấp quốc gia.…
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, cả 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ đã ban hành Đề án/kế hoạch triển khai chương trình, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Cả vùng phấn đấu đến năm 2020 sẽ chuẩn hóa được 309 sản phẩm, phấn đấu khoảng 19 sản phẩm sẽ đạt chứng nhận OCOP 5 sao, cùng với đó là hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX) tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, có 3 địa phương là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế đăng ký thí điểm Chương trình OCOP của cả nước, với các định hướng, chủ đề khác nhau. Cụ thể, Thanh Hóa phát triển OCOP gắn với định hướng phát triển Trung tâm/điểm bán hàng OCOP gắn với hệ thống du lịch địa phương; Hà Tĩnh phát triển OCOP gắn với phát triển liên kết du lịch địa phương và khu dân cư kiểu mẫu, phát triển điểm giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh tại các điểm du lịch ngoài tỉnh; Thừa Thiên Huế phát triển OCOP gắn với làng nghề truyền thống, du lịch làng nghề, phát triển Trung tâm OCOP cấp tỉnh và các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Huế.
Thực chất, xây dựng NTM, đặc biệt là NTM kiểu mẫu là một quá trình bao gồm rất nhiều nhiệm vụ: xây dựng cơ sở hạ tầng cảnh quan nông thôn, nâng cao thu nhập, giải quyết bài toán phúc lợi cho nông dân, nâng cao hiệu lực của hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hạ tầng văn hóa xã hội… Do đó, phát triển kinh tế nông thôn sẽ đóng vai trò then chốt, nòng cốt để thúc đẩy xây dựng NTM kiểu mẫu một cách hiệu quả và bền vững, trong đó, phát triển OCOP được coi là giải pháp trọng tâm. Để làm được việc này, bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế, sản phẩm đặc trưng của địa phương, phù hợp với vai trò và sứ mệnh của OCOP, thì việc nâng cao vai trò của doanh nghiệp, HTX để làm đầu tàu thúc đẩy các chuỗi giá trị OCOP là hết sức quan trọng.