Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã trở thành một di tích mang giá trị văn hóa, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Tại Khu lưu niệm, chúng tôi gặp thầy và trò Trường tiểu học Triệu Thành đang tổ chức hoạt động ngoại khóa, hành hương về nguồn nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ở Nhà lưu niệm, các em được tận mắt quan sát những hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá, sinh động và chân thực về cuộc đời Tổng Bí thư Lê Duẩn, qua đó giúp các em hiểu hơn về một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.
Em Nguyễn Thị Khánh Như, lớp 4B, Trường tiểu học Triệu Thành tự hào nói: "Em đã được đến thăm Khu lưu niệm của Tổng Bí thư Lê Duẩn nhiều lần. Em hứa sẽ nỗ lực học tập thật giỏi, để xứng đáng là người con trên quê hương của Tổng Bí thư".
Cô giáo Trương Thị Hoài, Trường tiểu học Triệu Thành cho biết: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn mãi mãi là địa chỉ đỏ, là nơi tìm về của bạn bè quốc tế, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông cho các thế hôm nay và mai sau. Ngoài công việc chuyên môn ở nhà trường, chúng tôi luôn chú trọng đến hoạt động ngoại khóa, hành hương về nguồn, đặc biệt là trong những ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Năm nay, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại tham quan tại Khu lưu niệm với mong muốn giáo dục cho các em về nhân cách, hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn, từ đó bồi đắp cho các em tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục lòng tự hào về nơi các em được sinh ra, lớn lên và học tập là quê hương của đồng chí Lê Duẩn.
Nhằm ghi nhớ những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần chung tay, góp sức bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Khu lưu niệm là một tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, tạo nên một không gian khoáng đạt tái hiện về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư qua các hình ảnh, hiện vật quý giá. Từ khi được trùng tu, tôn tạo và mở rộng đến nay, Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ngày càng phát huy hiệu quả. Nơi đây còn là địa điểm tổ chức các buổi kết nạp Đảng, Đoàn, Đội long trọng, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ.
Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Anh Phan Thanh Nhật, Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết:Nhà lưu niệm gắn liền với tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí ở quê nhà và phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi tăng cường công tác thuyết minh, giới thiệu cho cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, tinh thần yêu nước, niềm tự hào cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017, Nhà lưu niệm đón hơn 12.500 lượt khách là cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn. Tỉnh Quảng Trị đã và đang khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử trong quần thể cụm di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời quảng bá, tạo sức hấp dẫn của các điểm du lịch này.
Trong dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người, Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn thường xuyên đón tiếp các em học sinh, đoàn viên thanh niên, cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh và người dân các địa phương trên khắp cả nước đến dâng hương, tham quan, học tập đồng chí Lê Duẩn - Tấm gương ngời sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con trung hiếu của quê hương Quảng Trị anh hùng.