Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tư nhân, cho phát triển kinh tế xã hội.
Báo điện tử Chính phủ đăng tải loạt bài viết về các đề xuất chính sách, cách tiếp cận mới với hộ kinh doanh để khu vực dân doanh này phát triển hơn, hoạt động thuận lợi hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
|
Các quy định hiện hành về hộ kinh doanh đang gây ra những lúng túng trong thực thi, các hộ này cũng đang bị nhiều hạn chế trong hoạt động. - Ảnh minh họa |
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hiện đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp và cơ quan này vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức một cuộc tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp”.
Theo VCCI, Luật Doanh nghiệp hiện hành chỉ điều chỉnh khu vực doanh nghiệp, tức bao gồm hơn 700 nghìn doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp tới 30% GDP, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, thì Luật này - như tên gọi của chính nó, không điều chỉnh các hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh mới chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Vậy, cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ đề xuất các quy định mới cho hộ kinh doanh như thế nào?
Minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn cho hộ kinh doanh
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh quan điểm của những người soạn thảo, của cơ quan hoạch định chính sách là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt họ lên doanh nghiệp.
Rõ ràng, mô hình hộ kinh doanh vẫn phải có những điểm lợi thế, hấp dẫn thì mới được rất nhiều người lựa chọn như hiện nay. Theo ông Nguyễn Hải Hùng (Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 đến nay, Hà Nội mới ghi nhận 9 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. |
“Điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là nhà nước sẽ bảo hộ các hộ kinh doanh, giúp tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế với họ. Đã kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phải có đầy đủ các thương quyền để họ kinh doanh tốt nhất. Khung khổ pháp lý với hộ kinh doanh phải đơn giản nhất, linh hoạt nhất để họ kinh doanh thuận lợi nhất”, ông Hiếu phân tích.
Nói thêm về các quy định hiện nay, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, từ khái niệm cho tới địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng. Chưa hết, các hộ kinh doanh chịu nhiều hạn chế như chỉ được kinh doanh ở một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản và không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Các quy định “rất bấp bênh”, không rõ ràng như vậy, theo ông Hiếu, đang gây ra rất nhiều lúng túng. Ngay chính khái niệm “hộ kinh doanh” cũng không thật chuẩn xác, vì tuy gọi là hộ kinh doanh nhưng thực chất là cá nhân kinh doanh, việc quản lý cũng thực chất là quản theo cá nhân, thu thuế hộ kinh doanh cũng là thu theo cá nhân.
Mặt khác, theo ông Hiếu, cũng không thể tiếp cận đối tượng hộ kinh doanh theo hướng “buộc” họ phải đăng ký doanh nghiệp. Thực tế, pháp luật hiện hành đã có các quy định khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Do đó, việc xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt buộc họ chuyển thành doanh nghiệp đều không đúng, không hợp lý.
Ngược lại, pháp luật phải tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân tận dụng các cơ hội kinh doanh. “Buổi sáng, tôi nhận ra một cơ hội kinh doanh, tôi đăng ký kinh doanh và chấm dứt kinh doanh ngay sau cơ hội đó, tức là các thủ tục gia nhập, rút lui khỏi thị trường phải rất đơn giản, nhanh chóng, chứ không phức tạp như thành lập doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu thừa nhận các đề xuất chính sách mới sẽ phải giải quyết, cân nhắc một số vấn đề. Như có thể sẽ gọi chính xác các đối tượng này là cá nhân kinh doanh thay vì cách gọi “hộ kinh doanh”. Một vấn đề kỹ thuật khác là đặt các quy định, chính sách mới ở văn bản nào.
“Có thể sẽ sửa đổi tên luật thành “Luật Doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh”, đưa các quy định mới về hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh vào luật này. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh lại rằng đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật, đặt quy định ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất là khung khổ pháp thế nào. Đưa vào luật không có nghĩa là xóa bỏ hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh”, ông Hiếu nói.
‘Trả lại tên’ cho cá nhân kinh doanh
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức từ Ban Pháp chế của VCCI cũng cho rằng, nhiều người đã hiểu sai các ý kiến đề xuất về hộ kinh doanh. “Không ai đề nghị xoá bỏ 1,6 triệu hộ kinh doanh, cũng không ai đề nghị thúc 1,6 triệu hộ này phải thành lập doanh nghiệp”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết VCCI sẽ có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để có đề xuất thuận lợi, nhưng quan điểm là không thể để hộ kinh doanh cá thể hoạt động theo khung khổ pháp lý hiện hành. VCCI sẽ đề xuất nhiều phương án để chọn lựa.
|
Cụ thể, có ý kiến đề nghị xoá bỏ, nhưng không phải là xoá bỏ 1,6 triệu hộ kinh doanh, mà là xoá bỏ “khái niệm hộ kinh doanh” và chuyển nó thành “khái niệm cá nhân kinh doanh” hoặc “khái niệm doanh nghiệp một chủ”.
Có ý kiến khác đề nghị coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn coi hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp. Nhưng đề xuất coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp không phải là yêu cầu 1,6 triệu hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, mà chỉ đơn giản mà mở rộng khái niệm doanh nghiệp, bao gồm cả các hộ kinh doanh.
Ông Đức cũng cho rằng, theo các quy định hiện hành, thì không có tư cách chủ thể của hộ. Bộ luật Dân sự 2015 đã theo chuẩn thế giới, bỏ tư cách chủ thể của hộ gia đình, mà coi hộ gia đình là tập hợp các chủ thể là cá nhân.
Trên thế giới, nếu một pháp nhân kinh doanh thì gọi là công ty. Nếu một cá nhân kinh doanh thì người ta gọi là cá nhân kinh doanh hoặc doanh nghiệp một chủ.
Ở Việt Nam, pháp nhân kinh doanh cũng gọi là công ty. Hộ gia đình kinh doanh chúng ta gọi là “hộ kinh doanh”. Cá nhân kinh doanh gọi là “hộ kinh doanh cá thể”. Ông Đức khẳng định quy định về “hộ kinh doanh” này trong pháp luật Việt Nam không giống các quy định trên thế giới. Việc vẫn tồn tại khái niệm hộ kinh doanh cũng không phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.
Theo ông Đức, tới nay, các ý kiến tranh luận đều thống nhất phải gọi hộ kinh doanh với một cái tên khác. Phương án được nhiều người đồng tình nhất là coi các hộ kinh doanh trở thành cá nhân kinh doanh.
Theo ông Đức, hệ thống pháp luật chỉ nên tồn tại hai loại chủ thể (1) pháp nhân kinh doanh và (2) cá nhân kinh doanh. Đối với pháp nhân kinh doanh/công ty, pháp luật cần quy định 2 nội dung là quản trị nội bộ công ty đó, và (2) quy chế tuân thủ pháp luật của công ty đó về đăng ký kinh doanh, về quản lý thuế và về các lĩnh vực pháp luật khác.
Đối với cá nhân kinh doanh, pháp luật không cần quy định về quản trị nội bộ, vì một cá nhân thì không cần quản trị nội bộ. Pháp luật chỉ cần quy định về quy chế tuân thủ mà thôi.
Cùng quan điểm với ông Phan Đức Hiếu, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng hiện hộ/cá nhân kinh doanh có những quy định “kìm kẹp”, như chỉ được kinh doanh trong một quận huyện, chỉ được phép có tối đa 10 lao động. Đồng thời, không được làm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện do điều kiện bắt phải là doanh nghiệp.
Các hộ kinh doanh cũng không được coi là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), từ đó không được các biện pháp hỗ trợ theo Luật, không được ưu tiên khi đấu thầu…
Mặt khác, ông Đức đưa ví dụ: Một công ty/doanh nghiệp nuôi 200 con lợn bị thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, chống sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong khi một cá nhân/hộ kinh doanh cũng nuôi 200 con lợn lại ít bị thanh tra, kiểm tra hơn, dễ dàng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hơn. Do đó, các quy định hiện hành cần được thay đổi.
Ông Đức cũng đề xuất, việc quản lý thuế thì nên theo quy mô doanh thu, quy mô doanh thu khác nhau thì có các chế độ khác nhau, chứ không nên quản lý theo tư cách chủ thể (pháp nhân/hộ/cá nhân).
(còn tiếp)
Nhóm phóng viên