Không thể xuyên tạc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10/11/2023, Tổng thống Hoa Kỳ đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, góp phần quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, nhân sự kiện này các thế lực thù địch đã ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng: “Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là theo chân nước này để chống nước kia”; “Mỹ đang bất chấp vấn đề nhân quyền để nâng cấp quan hệ với Việt Nam”; “Việt Nam đang ngã về phương Tây”… Qua đó, hòng xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và giữa Việt Nam với các quốc gia khác; cô lập, hạ thấp vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; phá hoại mối quan hệ hợp tác, hữu nghị của Việt Nam với các nước, trong đó có Hoa Kỳ.

Có thể khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ của hai quốc gia, thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Một trong những kết quả quan trọng của cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden là hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, phát huy kết quả hợp tác và tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.

Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng thuộc 111 quốc gia. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 quốc gia, như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 13 quốc gia và quan hệ Đối tác toàn diện với 12 quốc gia khác. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của LHQ, như: Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ nhiệm kỳ 2016 - 2018, Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2020 - 2021… Về kinh tế, cùng với Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ là 1 trong 10 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào nước ta, với hơn 1.100 dự án đang hoạt động với hơn 10 tỷ USD vốn đăng ký. Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất của hàng hóa Việt Nam trong những năm trở lại đây. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư hơn 3.700 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25 tỷ USD; điều đó cho thấy trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore… đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam.

Như vậy, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện như nước ta thiết lập với các quốc gia khác chính là thể hiện sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, chứ không phải Việt Nam “chọn bên” hay là Việt Nam “đang ngã về phương Tây” như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.

Đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”; Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 cũng nêu rõ, Việt Nam “thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…” Thực hiện chủ trương đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, việc hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh với Hoa Kỳ cũng như với bất kỳ quốc gia hay thể chế chính trị nào cũng vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước chứ không nhằm mục đích “chống lại” bất kỳ quốc gia nào hay là “theo chân nước này để chống nước kia” như các luận điệu thù địch đã tuyên truyền, xuyên tạc.

Đối với vấn đề quyền con người, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện đã dành một mục riêng “Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”, đồng thời nhấn mạnh: Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; phù hợp với hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế. Hai nước nhất trí tiếp tục ủng hộ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua các cơ chế đối thoại thẳng thắn, xây dựng như đối thoại nhân quyền, đối thoại lao động Việt Nam - Hoa Kỳ hằng năm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu sự khác biệt. Điều đó cho thấy, Chính phủ Hoa Kỳ đã tôn trọng và ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên thực tế, chứ không phải là “Hoa Kỳ đang bất chấp vấn đề nhân quyền để nâng cấp quan hệ với Việt Nam” như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc. Văn Lãn

346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1421
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1421
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88994346