Trong vụ án thứ nhất, nghi phạm sau khi mâu thuẫn với bạn trai đã đem con trai 3 tuổi đến phòng trọ và tại đây sau khi sát hại con mình đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng không thành. Và kết quả của chuyện trục trặc tình cảm của người mẹ là cái chết của cậu bé 3 tuổi khi em chẳng có lỗi gì trong chuyện này.
Còn trong vụ án thứ hai, theo những thông tin ban đầu, nghi phạm cùng với chồng hành hạ con gái 3 tuổi của mình trong hơn 20 ngày và kết quả đã làm cháu bé tử vong.
Câu hỏi đặt ra cho mỗi người đó là vì sao một người mẹ lại có thể có cách hành xử tàn ác với đứa con mình dứt ruột đẻ ra?
Dưới cái nhìn của những nhà tâm lý học, tình mẫu tử mang nặng tính bản năng, nghĩa là nó xuất hiện không chỉ ở con người mà ở hầu hết các sinh vật sống, đặc biệt, càng ở thứ bậc cao trong bậc thang tiến hóa, tình mẫu tử càng thể hiện một cách rõ rệt sâu đậm. Trong tất cả các hình thức biểu hiện của tình mẫu tử, cơ thể mẹ thường san sẻ và thậm chí là hy sinh, nhường lại dinh dưỡng và sự sống nói chung cho con mình. Và cùng với lịch sử của nhân loại, tình mẫu tử luôn được ngợi ca như một trong những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng và đặc biệt không bị thay đổi, tác động của những yếu tố ngoại cảnh.
Ở một phương diện khác, việc lựa chọn mang thai, sinh con hoàn toàn thuộc về những người cha, người mẹ. Con cái, với cha mẹ luôn là niềm hạnh phúc và là sự tiếp nối đời sống, vĩnh cửu hóa nòi giống của chính mình. Với số đông mọi người, việc sinh con đẻ và nuôi dạy con cái giống như một chu trình tiếp nối, một sự “trả nợ” khi chính họ cũng được sinh ra được nuôi dưỡng từ thế hệ cha mẹ mình.
Khi sinh ra một đứa con, người cha người mẹ đã mang một trách nhiệm, đương nhiên đó là lựa chọn của bản thân họ và họ phải có nghĩa vụ nuôi dạy con mình. Điều đó không chỉ đạo đức mà pháp luật cũng thừa nhận, bắt buộc.
Bất cứ một nền văn minh, một xã hội, một quốc gia và hẹp hơn là một dòng họ nào muốn hướng đến tương lai, muốn phát triển đều phải đầu tư vào giáo dục, hướng tới việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ, những người chủ tương lai. Trong phạm vi nhiều gia đình và với nhiều người, con cái cũng là một câu trả lời cho sự thành công hay thất bại thật sự.
Nhưng những đứa trẻ lại trở thành đối tượng để người sinh ra chúng trút lên đầu những bực dọc những tức giận những ức chế khi họ gặp việc không hài lòng trong cuộc sống. Thậm chí họ có thể nhẫn tâm tước đoạt quyền sống của con trẻ, những đứa trẻ rất nhỏ tuổi khi còn chưa kịp hiểu về cuộc sống về quyền được sống của chính mình cũng như chưa thể có bất cứ khả năng tự vệ, trốn chạy.
Ở giác độ sức khỏe, phụ nữ thường bị ảnh hưởng ít nhiều sau quá trình thai nghén và sinh nở. Chính vì vậy đời sống tâm sinh lý và sức khỏe tâm thần của họ cũng bị tác động. Trong trường hợp sức khỏe tâm thần yếu, không nhận được sự quan tâm chia sẻ từ người thân, phụ nữ có thể rơi vào trầm cảm và một tỷ lệ nhất định trong số họ có thể có hành vi sát hại con mới đẻ cũng như tự tước đoạt mạng sống của chính mình. Tuy nhiên luật pháp cũng quy định rất chi tiết và chỉ có thể “thông cảm” cho những phụ nữ mới sinh con trong vòng một số ngày. Hết thời hạn đó, luật pháp cũng như xã hội đòi hỏi người mẹ phải sống phải chăm sóc nuôi dưỡng con mình như một người bình thường.
Cách đây ít lâu mạng xã hội cũng dậy sóng khi những clip ghi lại hình ảnh, trong đó những người là con ruột cũng như con dâu đánh đập bạo hành những người mẹ khi tuổi đã ngoài 80 không tự chủ được cả việc sinh hoạt cá nhân của chính mình.
Tất nhiên, đằng sau mỗi câu chuyện là một số phận người với vô số những khúc mắc, nhưng tính mạng, thân thể và nhân phẩm con người luôn là bất khả xâm phạm và rất khó để chấp nhận những hành vi này, dù với bất cứ lý do gì. Đã có nhiều lời cảnh tỉnh và nhắc nhở, nhưng không bao giờ là quá nhiều khi chúng ta tiếp tục nhắc lại những lời này.
Quang Lê