Không thể chống dịch bệnh bằng sự hoảng hốt 

(Chinhphu.vn) - Ngay sau khi có thông tin về ca nhiễm virus corona thứ 17, phản ứng của một số người chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “hoảng loạn”, trong đó, không ít người “cầm đèn chạy trước ô tô”, phát tán những thông tin thất thiệt không qua kiểm chứng vô căn cứ và trái quy định pháp luật.

 

Nhiều người đăng tải những thông tin này chỉ vì lo lắng, hiếu kỳ, bị kích động, nhưng không ít người có mục đích xấu, lôi kéo, phá hoại một cách rất rõ ràng, hoặc cố tình làm việc này để trục lợi. Và không ít người khác bị cuốn theo những tin đồn, những thông tin sai sự thật này một cách vô thức, bị dẫn dắt bởi sự sợ hãi.

Đơn cử như hình ảnh được chụp lại màn hình từ một tài khoản Facebook được gán ghép cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: "Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước"; hay là một trang tin không chính thống đưa tin: "Có 2 ca nhiễm COVID – 19 mới, một ở Times City, một ở khu vực Đại học Bách Khoa"; hoặc là hình ảnh tràn ngập, không chuẩn xác về việc người nhiễm bệnh đi dự sự kiện khai trương cửa hàng thời trang; hay là dùng hình ảnh cá nhân của người bệnh để bêu rếu, lăng mạ cá nhân...

Cùng với những thông tin sai sự thật, nhiều người lao đến những địa điểm mua sắm để cố tích trữ cho mình những nhu yếu phẩm một cách nhanh nhất, sớm nhất và nhiều nhất có thể. Những “sáng kiến” chạy dịch cũng đã bắt đầu khi khởi đầu là một số hộ dân có khoảng cách địa lý gần kề với nơi bệnh nhân đã ở đã làm cuộc sơ tán từ sáng sớm.

Dưới góc độ phòng chống dịch, việc di chuyển này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh nếu như ai đó đang ủ sẵn mầm bệnh trong người. Thậm chí, điều này còn trái với yêu cầu từ phía cơ quan chức năng trong trường hợp những người đó thuộc diện phải cách ly.

Những phản ứng này càng đáng buồn hơn khi cơ quan chức năng cũng những cơ quan truyền thông chính thống vẫn hàng giờ hàng phút cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết về dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa cũng như về thị trường nhu yếu phẩm đến người dân.

Con người, trước những mối hiểm nguy mới mà họ chưa có những hiểu biết đầy đủ thường có 3 cách đối phó. Hoảng sợ, trốn chạy hoặc thờ ơ “mặc kệ sự đời” đều là những cách xử lý sai lầm, ấu trĩ và tất nhiên là chuốc lấy hậu quả tai hại. Sự lo lắng trước dịch bệnh là dễ hiểu, bởi ai cũng quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình. Nhưng, cách xử lý đúng đắn duy nhất đó là bình tĩnh tiếp nhận thông tin để ứng phó một cách hợp lý với nguy cơ.

Sự hoảng loạn, dưới góc độ nào đó, có thể liên tưởng đến cách đánh cá trên sông. Sau khi quây lưới, những người đánh các chèo thuyền và dùng thanh la gây nên những tiếng động để lùa cá vào lưới. Sự hoảng loạn khiến cá chạy vào lưới và thông thường không phải một hai con mà là cả đàn.

Càng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, các thông tin giả, sai, thiếu chính xác càng có cơ hội để phát tán và gây hại, nhưng đây cũng là lúc mỗi người càng nên cảnh giác và tỉnh táo. Chúng ta cần tỉnh táo để biết thông tin nào là sự thật, thông tin nào sai, thông tin nào chỉ mang tính chất tham khảo và càng phải thận trọng, tìm hiểu kỹ càng hơn khi chia sẻ thông tin. Những thông tin sai sự thật sẽ khiến cộng đồng hoang mang, lo sợ một cách quá mức cần thiết và gây ra những tác hại khôn lường.

Nếu thấu hiểu được sự vất vả, tốn kém công sức, tiền của của chính quyền và cộng đồng thì chắc chắn chúng ta sẽ có hành động, ứng xử hợp lý hơn, với tính chất xây dựng và chung tay vun đắp, chí ít là những tiếng nói tích cực để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Người dân cần thái độ và hành động chuẩn mực, hiểu rõ thông tin, các chủ trương, quy định cũng chính là để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng là đồng hành cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Quang Lê

205 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 669
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 669
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87019849