|
Ảnh minh họa |
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị chỉ đạo nhà thầu tăng cường thực hiện bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời sửa chữa hư hỏng nhỏ trên đường, đặc biệt là công tác tuần đường, tuần kiểm, vá ổ gà.
Bên cạnh đó, quét dọn mặt đường sạch sẽ, sơn dặm kẻ đường, không để phát sinh hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Mỗi công tác bảo dưỡng phải thực hiện đúng quy định theo Tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ và Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc.
Đối với các dự án sửa chữa trên tuyến đang triển khai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chỉ đạo nhà thầu thi công huy động nhân lực, máy móc, tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ.
Trong quá trình thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên công trình đang khai thác; rà soát các vị trí mất an toàn giao thông để cập nhật và khắc phục tại các dự án sửa chữa đang thực hiện và sẽ thực hiện.
Đối với các dự án BOT đang tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn thành việc xác lập quyền sở hữu toàn dân, chưa chuyển giao công trình BOT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT, nhà đầu tư dự án vẫn có trách nhiệm bảo trì cho đến khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với các dự án này, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về quản lý bảo trì dự án.
Với các dự án BOT đang thu phí, nếu để hư hỏng mất an toàn giao thông mà không sửa chữa, các Cục quản lý đường bộ báo cáo Tổng cục quyết định tạm dừng thu phí.
TD