Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh trống khai giảng năm học 2017-2018 trường Đại học Lâm nghiệp.
 (Ảnh: ML)

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, qua 53 năm thành lập và phát triển, nhà trường đã đào tạo cho đất nước 40.000 Kỹ sư, Cử nhân; hơn 1.200 Thạc sỹ và 200 Tiến sỹ. Với vai trò là trường Đại học đầu ngành đào tạo về lâm nghiệp, chất lượng đào tạo thường xuyên được nhà trường chú trọng thông qua việc đổi mới chương trình để đáp ứng yêu cầu hội nhập và nghiên cứu lâm sản chế biến sâu. Cùng với đó, nhiều đề tài, dự án của nhà trường có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phòng chống cháy rừng; nghiên cứu thành công các quy trình kỹ thuật nhân giống cây gỗ lớn góp phần quan trọng trong trồng và tăng độ che phủ của rừng trên cả nước.

Phát biểu với trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao các nghiên cứu cụ thể của nhà trường như: các giống cây mới về lâm nghiệp, sản phẩm về nấm, sản phẩm chế biến sâu về gỗ. Những sản phẩm này đã được các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp hưởng ứng đưa vào sử dụng. Trong lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, nhà trường đã phối hợp, hợp tác đạt được nhiều kết quả. Cho đến nay, 60 tổ chức, viện, trường nước ngoài liên kết với trường và 7 quốc gia đã cử học sinh, lưu học sinh sang kiến tập, đào tạo.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Đại học Lâm nghiệp cần đổi mới và sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ có những chương trình cụ thể về phát triển nguồn nhân lực đối với khu vực này. Trong đó, hàng năm, bộ sẽ phối hợp với các thành phần kinh tế huy động tiềm lực, phối hợp tận dụng các cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn có để làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu; tạo điều kiện để trường phối hợp cùng các thành phần kinh tế chuyển giao nhanh, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trường Đại học Lâm nghiệp cần làm tốt hơn vai trò tham mưu về thể chế, đặc biệt là đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo vệ Phát triển rừng (dự kiến sẽ đổi tên thành Luật Lâm nghiệp) để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới nhằm tạo hành lang, động lực cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Trong công tác đào tạo, nghiên cứu, cần thay đổi mạnh hơn nữa tư duy theo hướng gắn với thực tiễn, nhất là cơ chế đặt hàng theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành lâm nghiệp,…/.

BT