Từng bước nâng cao chất lượng con giống là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành hàng tôm. (Ảnh minh họa: BT)

Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất giống tôm nước lợ

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của nước ta năm 2020 là 738.000ha, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con. Trong đó, gồm 100 tỷ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con.

Trên cơ sở nhu cầu này, trong năm, cả nước với 2.224 cơ sở sản xuất tôm giống đã sản xuất đáp ứng đủ số lượng con giống trên. Trong đó, khu vực sản xuất trọng điểm tôm giống tại Nam Trung bộ gồm: tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hàng năm, các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước. Số còn lại được sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh phía Bắc, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh.

Tôm là ngành hàng mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao cho nước ta khi đây là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2020, đạt 3,7 tỷ USD (tăng tới 11% so với cùng kỳ năm 2019), vì vậy, công tác quản lý sản xuất tôm giống nước lợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản. Tính đến nay, nước ta đã hình thành được các vùng trọng điểm sản xuất tôm giống, bước đầu làm chủ được các công nghệ sản xuất và đã hình thành đội ngũ doanh nhân trong khâu sản xuất tôm giống.

Bên cạnh đó, luỹ kế đến hết tháng 12/2020, Tổng cục Thuỷ sản đã kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (đối với giống bố mẹ) được 16/18 cơ sở sản xuất. Và về kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trừ giống thuỷ sản bố mẹ), lũy kế đến hết tháng 12/2020 các địa phương đã kiểm tra và cấp được 875/2.224 cơ sở (chiếm 39,3%).

Cùng với việc thúc đẩy sản xuất tôm giống, các cơ quan Trung ương và địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ.

Nổi bật, trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A04) và Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời chủ động phối hợp với Đoàn công tác liên ngành của các tỉnh trọng điểm tiêu thụ tôm giống vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống thuỷ sản qua địa bàn các tỉnh. Riêng năm 2020, thông qua việc tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở với hành vi vi phạm chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ đều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc. Số tôm bố mẹ và tôm hậu bị buộc tiêu huỷ, chuyển mục đích sử dụng 15.000 con. Đây là số lượng tôm bố mẹ lớn nhất từ trước tới nay bị tiêu huỷ.

Bên cạnh đó, với việc phối hợp các Đoàn công tác liên ngành, số phương tiện vận chuyển tôm giống bị phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gồm 28 phương tiện. Số lượng tôm giống buộc tiêu huỷ 10 triệu con.

Trước đó, trong năm 2018 và 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức ký quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Kết quả cho thấy, từ khi có quy chế, việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, giảm rõ rệt số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ đã chủ động tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phấn đấu chủ động được nguồn cung tôm giống bố mẹ

Mặc dù hiện nay, số lượng con giống tôm nước lợ đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho nuôi trồng tại nước ta, tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, riêng về tôm bố mẹ, kết quả nghiên cứu, chọn tạo còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ hiện phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

Bên cạnh đó, thực tế, vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đồng thời, nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Năm 2021, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên ngành tôm nước lợ của nước ta vẫn phải đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu dẫn đến những diễn biến phức tạp; hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, năm 2021, Tổng cục Thủy sản cho biết, kế hoạch nuôi tôm nước lợ phấn đấu đạt diện tích 740.000 ha (tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ chân trắng 115.000 ha), sản lượng đạt 930.000 tấn. Trong đó, nhu cầu tôm giống cần khoảng 130 tỷ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con.

Do vậy, để thực hiện thành công kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021, theo Tổng cục Thủy sản, về chọn tạo tôm bố mẹ, cần nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh. Đặc biệt, tôm bố mẹ có vai trò then chốt trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ, vì vậy, Tổng cục Thủy sản cho rằng, trong nước cần chủ động nguồn tôm bố mẹ để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sản xuất giống tôm nước lợ cần đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng phục vụ cho các vùng nuôi tôm thương phẩm từ đàn tôm bố mẹ được gia hóa, chọn tạo trong nước. Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất tôm giống cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng để cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Và để sản xuất tôm giống nước lợ thành công, Tổng cục Thủy sản đề xuất cần bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị khác có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống. Đi cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất.

Ngoài ra, Tổng cục Thuỷ sản cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thuỷ sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng tôm giống.

Tổng cục Thủy sản cũng lưu ý tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo nên vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ để kiểm soát chất lượng tôm giống.

Cùng với các giải pháp trên, các Hội, Hiệp hội, người sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm cần hướng dẫn hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng định hướng chiến lược để thúc đẩy hoạt động sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống.

Mặt khác, cần vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả và nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường đầu ra./.

 
BT