Không nên cấm dịch vụ đòi nợ văn minh 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì cấm cũng không cấm được.

Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm khi thảo luận về dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) hôm nay.

Nhiều ĐB cho rằng, chưa đủ cơ sở đề cấm ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nói không thể vì quản không nổi mà cấm.

"Thực tế có phải tất cả các vụ việc đòi nợ gây mất an ninh trật tự thời gian qua đều từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hợp pháp hay từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, biến tướng?

Dù có cấm ngành, nghề kinh doanh đòi nợ cũng chưa chắc đã hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Thậm chí có khi tình trạng mất an ninh trật tự còn tăng lên vì khi cấm các đơn vị cho vay sẽ hạn chế cho vay để bảo toàn vốn và có khả năng đẩy người vay tiếp cận với các nguồn cho vay nặng lãi nhiều hơn”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

 

Không nên cấm dịch vụ đòi nợ văn minh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Minh Đạt

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng lấy ví dụ, là chủ nợ để đòi được 100 triệu có 2 cách, một là kiện ra toà, hai là thuê dịch vụ đòi nợ.

Nếu qua con đường toà án, tính từ lúc nộp đơn đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nhanh nhất cũng mất 250 ngày, thậm chí đến vài năm, sau đó lại phải làm đơn ra chờ thi hành án. Còn sử dụng dịch vụ đòi nợ thì chỉ trong vòng 1, 2 tháng sẽ thu hồi được tiền, chủ nợ lại không phải đi lại.

“Rõ ràng, đứng ở góc độ của chủ nợ thì dịch vụ thu hồi nợ nhanh, gọn hơn tòa và thi hành án rất nhiều”, ông Đồng nhận định.

Theo ĐB, đòi nợ văn minh là khi người làm dịch vụ có khả năng điều tra, tìm kiếm thông tin, biết được con nợ có tiền ở đâu, khi nào có để đòi đúng lúc, đúng chỗ. Đòi nợ không văn minh thì gây ra hệ lụy không nhỏ.

Vì vậy, ông kiến nghị cần có quy định cụ thể để kiểm soát như khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh, kiểm tra; cấm các biện pháp xúc phạm, đe dọa, hủy hoại tài sản.

Ông Đồng cũng nêu lý do không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì có cấm cũng không cấm được. Người ta dễ dàng “lách” quy định cấm này bằng cách làm giấy tờ ủy quyền đại diện tham gia giao dịch và hưởng thù lao đại diện. Biện pháp này hợp pháp theo bộ luật Dân sự và không có cách nào cấm được.

Đe dọa, khủng bố người thân, hàng xóm của con nợ

Theo Đại tá Phạm Huyền Ngọc - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, đòi nợ là vấn đề khó trong giao dịch dân sự, hợp đồng kinh tế.

 

Không nên cấm dịch vụ đòi nợ văn minh
 Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Phạm Huyền Ngọc. Ảnh: Minh Đạt
 

Ông cho hay, trong hoạt động thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành thì có một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực. 

Đáng lưu ý, nhiều nơi lợi dụng dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

“Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí có vụ dẫn đến chết người. Phổ biến là hành vi đe doạ, khủng bố người thân, con cái, cha mẹ của con nợ", ông Ngọc nói.

Vị Đại tá cho hay, gần đây, đối tượng đòi nợ thuê có hành vi nguy hiểm, phức tạp hơn mà nhiều người không thể hình dung ra.

Ví dụ con nợ là giáo viên thì đối tượng đòi nợ gọi điện đe doạ cả ban giám hiệu nhà trường, hàng xóm của con nợ bỗng nhiên bị gọi điện khủng bố vào giữa đêm, ném chất bẩn vào nhà… nhằm gây áp lực với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để cùng gây áp lực, buộc con nợ phải trả nợ.

"Nhưng lực lượng công an rất khó xác định, phát hiện và xử lý đối tượng", ĐB Ngọc nêu.

Theo ông, dịch vụ đòi nợ đang là một trong những nguyên nhân phát sinh tín dụng đen.

Ông dẫn chứng vụ Quân "xa lộ", hay mới nhất là vào ngày 18/11 tại Gia Lai, do chồng vay nợ tín dụng đen liên tục bị đòi nợ, vợ đã dùng búa đánh chết chồng…, và khẳng định, không phải "quản không được thì cấm" mà nên cấm vì dịch vụ này gây nhiều hệ luỵ xã hội.

Ông nhấn mạnh, nếu luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế được hoạt động tín dụng đen vì việc đòi nợ thuê đã bị cấm, mọi hành vi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu, thực tế thời gian qua rất nhiều ý kiến của cử tri đã phản ánh về hiện tượng biến tướng của kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vi phạm sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Theo bà, không chỉ lý do nhà nước không quản lý được nên phải cấm mà vấn đề là phải giải bài toán giữa hiệu quả kinh doanh và hiệu ứng của xã hội.

Bà đề nghị QH ủng hộ việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư.

Hương Quỳnh - Thu Hằng

392 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1220
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1220
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172181