|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN. |
* Chủ động ứng phó trong mọi tình huống
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là đất nước chịu nhiều tổn thương bởi biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
"Cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế, nâng cao năng lực giám sát khí tượng thủy văn bằng công nghệ là vấn đề rất quan trọng, là cơ sở, tiền đề giúp công tác phòng, chống thiên tai được chủ động và hiệu quả hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý, Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp thực hiện công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện.
Các tỉnh, thành phố cần làm tốt công tác kiểm tra, rà soát các khu vực trọng yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các công trình đê, hồ chứa trọng điểm để đảm bảo an toàn. Kiên quyết không tích nước ở những hồ đập có nguy cơ mất an toàn.
"Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan và các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng cho công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành liên quan trong công tác tiếp tục hỗ trợ các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai, như mưa đá xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc đầu năm 2020, hiện tượng sạt đồi Ông Tượng, tỉnh Hòa Bình, xử lý sạt lở bờ sông Đà khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình... đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ kinh phí theo kế hoạch trên nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng khẳng định, ngay sau cuộc họp này sẽ ban hành Chỉ thị chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai.
* Tập trung các giải pháp ứng phó cấp bách
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo nhận định tình hình đến cuối năm 2020, dự báo, mùa mưa, bão đến muộn, khả năng xuất hiện từ 7 đến 9 cơn bão, trong đó có từ 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; mưa lớn tập trung và kéo dài ở khu vực Trung Bộ. Lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi.
Đến thời điểm hiện nay, khu vực miền Bắc đã bước vào thời kỳ lũ muộn, song vẫn phải sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Trọng tâm đối với các tỉnh Trung Bộ, mặc dù đang tập trung chống dịch COVID -19, song cần triển khai ngay các kịch bản ứng phó với bão mạnh, lũ lớn kéo dài vào cuối năm 2020.
Trước tình hình mưa bão và dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó chống dịch, đảm bảo an toàn trong tình huống xảy ra thiên tai lớn (thực hiện nghiêm túc văn bản số 92/TWPCTT ngày 29/7/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai).
Đối với việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 12/2/2020, Ban Chỉ đạo đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ; xử lý cấp bách 16,44 km đê xung yếu, 26 cống dưới đê đang có sự cố, nguy cơ gây vỡ đê khi gặp lũ lớn, hiện địa phương đã ban bố tình huống khẩn cấp, với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng./.