Sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Khắp nơi, trong làng tất bật, xe cộ và lượng người lưu thông trên các ngã đường trong thôn vào ra nườm nượp, xe lớn, xe bé chất ngất các thùng mứt gừng chạy đi cung ứng cho thị trường Tết. Đặc biệt, hương vị thơm nồng từ các lò nấu mứt trong làng càng làm cho không khí ở đây trở nên chộn rộn hơn.
Theo thống kê của ông Ngô Văn Bách, Trưởng Ban điều hành Làng nghề truyền thống sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh có tất cả 9 hộ dân tham gia sản xuất. Dự kiến, năm nay, làng nghề sản xuất được 70 - 80 tấn mứt gừng cung ứng cho thị trường Tết; trong đó, hộ anh Hồ Văn Tuấn, sản xuất được khoảng 25 tấn, là hộ sản xuất mứt gừng lớn nhất của làng.
Sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Vụ làm mứt gừng được các hộ dân triển khai từ đầu tháng 11 cho đến khoảng 25/12 Âm lịch hàng năm. Hiện tại, với giá cả mà các hộ sản xuất bán cho các thương lái đến thu mua tại làng là 50.000 đồng/kg, thì vụ mứt Tết năm nay làng mứt gừng Mỹ Chánh đạt doanh số từ 3,5 - 4 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lãi được khoảng 140 - 160 triệu đồng.
Sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Các hộ sản xuất mứt gừng tính toán, để sản xuất 1 kg mứt gừng cần phải có 1 kg gừng củ có giá 20.000 đồng, 1 kg đường cát trắng 15.000 đồng, 2.000 chất đốt, bao bì đóng gói 3,500 đồng, công (rửa, cạo vỏ, thái gừng, luộc gừng, rim gừng, trăng mứt không cho dính liền nhau sau khi rim mứt để đường cát kết tinh thành một lớp bên ngoài mứt) khoảng 7.500 đồng, hết tổng chi phí 48.000 đồng, người dân còn lãi được khoảng 2.000 đồng/kg.
Nhằm đảm bảo thương hiệu mứt gừng nổi tiếng xưa nay, các hộ dân làng nghề đều cam kết sản xuất mứt theo thủ công truyền thống, không sử dụng hóa chất trong chế biến và bảo quản, toàn bộ nguyên liệu mứt gừng đều được các hộ dân hợp đồng đặt mua tại các trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích trong trồng trọt ở thị trấn Lao Bảo, huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và các tỉnh Tây Nguyên.
Sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Không những thế, trước khi vào mùa vụ, Ủy ban nhân dân xã Hải Chánh đều phối hợp với Sở Công Thương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn, chuyển giao, cho các hộ dân làng nghề các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, các giải pháp đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường trong sản xuất.
Bên cạnh đó, xã cũng tạo mọi điều kiện cho các hộ dân sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của làng.
Sản xuất mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Bí quyết để làm nên thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng xưa nay, theo các hộ dân làm nghề lâu đời ở đây, trước hết, cần phải chuẩn bị được gừng củ to đều, không già cũng không non và đường cát trắng, được chế biến trong môi trường sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, là phải được rim bằng than củi, trong suốt quá trình rim lửa không được cao quá sẽ gây cháy đường và cũng không được thấp quá khiến đường không kết tinh thành mứt được.
Nhờ được làm từ nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong suốt quá trình chế biến hoàn toàn thủ công truyền thống, kỹ lưỡng bằng kinh nghiệm và tình yêu nghệ thuật, muốn đem đến sự hài lòng cho các thực khách của bà con làm mứt nơi đây, nên từ xưa đến nay, mứt gừng Mỹ Chánh là một thương hiệu được người dân các tỉnh từ Nghệ An đến thành phố Đà Năng ưu tiên sử dụng hàng đầu mỗi khi Tết đến, Xuân về hay trong nhà có lễ lạt cần phải tiếp khách quý.
Công đoạn đóng bao mứt gừng. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Không chỉ mua về sử dụng, mứt gừng Mỹ Chánh còn được người dân mua về làm quà biếu cho đồng nghiệp, anh em, bạn bè sử dụng trong dịp lễ, Tết. Vào thời gian cận Tết như hiện nay, hầu như tất cả các cửa hàng bán bánh kẹo phục vụ Tết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có bày bán mứt gừng Mỹ Chánh để phục vụ người dân.
Lâu nay, mỗi khi có nhu cầu về mứt gừng thì mọi người trong và ngoài tỉnh Quảng Trị mặc nhiêu đều nghĩ ngay đến mứt gừng Mỹ Chánh, nhưng cũng chưa ai quan tâm tìm hiểu mứt gừng Mỹ Chánh xuất hiện từ khi nào.
Cũng theo ông Ngô Văn Bách, từ trước tới nay, chưa bao giờ nghe ai nói nghề làm mứt gừng của làng xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra và lớn lên đến nay, ông đã thấy các hộ dân trong làng làm mứt gừng và xem đó là nghề truyền thống của làng, người dân Mỹ Chánh ai cũng xem nghề làm mứt gừng là niềm tự hào của mình./.